Vai trò của Vitamin và Khoáng chất với cơ thể
Vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự sống. Thiếu vitamin và khoáng chất có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Mặc dù cần với một lượng nhỏ nhưng vitamin và khoáng chất có vai trò quyết định sự sống và sức khỏe.
Nội dung
1. Đại cương về vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất là những chất dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể. Một cơ thể muốn khoẻ mạnh cần được cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất theo nhu cầu. Vitamin và khoáng chất tham gia vào tất cả các hoạt động sống của cơ thể gồm: cấu tạo của tế bào, các phản ứng chuyển hoá, trao đổi chất, cung cấp năng lượng cho hoạt động sống của cơ thể.
Vitamin (còn gọi là sinh tố) là những hợp chất hữu cơ mà cơ thể không thể tự tổng hợp được và do đó phải được đưa vào cơ thể từ các loại thực phẩm thông qua chế độ ăn uống. Vitamin là một loại vi chất dinh dưỡng thiết yếu mà một sinh vật cần với số lượng nhỏ để duy trì hoạt động sống cũng như sự cần thiết của quá trình trao đổi chất.
Khoáng chất là một trong 4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu (khoáng chất, vitamin, axit béo thiết yếu và axit amin thiết yếu). Trong khái niệm dinh dưỡng, khoáng chất là một nguyên tố hóa học. Một số khoáng chất rất cần thiết cho sự sống của các sinh vật. Năm khoáng chất chính trong cơ thể con người là canxi, phốt pho, kali, natri và magiê. Các nguyên tố còn lại được gọi là “nguyên tố vi lượng” bao gồm sắt, clo, coban, đồng, kẽm, mangan, iốt, selen và một số chất khác.
2. Vai trò của vitamin với cơ thể
Vitamin được xếp vào nhóm các vi chất dinh dưỡng. Mặc dù vitamin chỉ cần với một lượng nhỏ, thường là vài miligam (mg) hoặc microgam (μg) mỗi ngày nhưng lại là các thành phần không thể thiếu trong các hoạt động sống của cơ thể.
2.1. Các đặc điểm chung của vitamin
- Không sinh năng lượng;
- Cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng không thể không có;
- Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin mà phải đưa vào cơ thể từ thực phẩm, thực phẩm bổ sung hoặc thuốc;
- Các vitamin không thay thế được cho nhau và là chất xúc tác thúc đẩy các quá trình chuyển hóa, trao đổi chất và phục hồi các tổn thương của cơ thể;
- Thiếu hoặc thừa vitamin đều có nguy cơ gây bệnh, có thể nguy hiểm tính mạng.
2.2. Vai trò của vitamin với cơ thể
Nếu không cung cấp đủ lượng vitamin cần thiết cho cơ thể do: chế độ ăn uống hoặc một số tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như rối loạn hấp thu hoặc các dị tật bẩm sinh về chuyển hóa, thì cơ thể sẽ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng dẫn đến việc phát triển không toàn diện. Chế độ ăn đủ vitamin có tác dụng tăng cường sức khỏe, chống lão hóa, phòng ngừa các bệnh mạn tính.
Tùy thuộc vào từng loại vitamin mà cơ thể có các nhu cầu khác nhau, vì mỗi loại có chức năng khác nhau. Các yêu cầu này thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính và trạng thái sinh lý (ví dụ khi mang thai, cao tuổi). Ngoài ra, nhu cầu vitamin của cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe.
Vitamin có vai trò quan trọng với sự tồn tại và phát triển của cơ thể, giúp củng cố hệ miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Dù được khuyến cáo là dưỡng chất nhất thiết phải bổ sung hàng ngày nhưng với lượng vừa đủ cơ thể cần. Nếu bổ sung vitamin liều cao quá mức khuyến cáo, cơ thể có thể gặp phải những rối loạn hoạt động, bệnh lý và nguy cơ tử vong.
2.3. Xếp loại vitamin
Về cơ bản, các vitamin được chia thành hai nhóm lớn dựa trên tính chất tan và thời điểm phát hiện ra chúng. Cụ thể:
– Nhóm vitamin tan trong dầu gồm vitamin A, D, E và K.
– Nhóm vitamin tan trong nước gồm các vitamin B1, B2, B6, B12, C…
2.4. Một số loại vitamin mới và đặc biệt
Ngoài các vitamin quen thuộc B1, B2, B3, B5, B6, B8, B9, B12, A, D, E, K, còn có nhiều chất mới đã được phát hiện và đặt theo thứ tự thời gian là các vitamin B4, B10, B13, B15, B17, F, I, J, P cũng rất quan trọng cho sức khỏe:
– Vitamin B4 (Adenine): Còn gọi là vitamin của bạch cầu, vì vai trò kích thích tạo thành bạch cầu. Adenine có trong men bia, mầm lúa, gan, thịt và cá.
– Vitamin B10: Còn gọi là vitamin H1 hoặc H2, có trong men bia, các hạt ngũ cốc, mầm lúa, rau. Vitamin B10 hiện còn dùng để chống nắng vì có vai trò tạo thành chất melanin (sắc tố của da và tóc). Tuy nhiên, người ta ít dùng dưới dạng thuốc vì tính chất dễ gây kích ứng cho da. Xu thế người ta thay thế bằng ß-caroten phối hợp vitamin C hoặc vitamin C phối hợp vitamin E.
– Vitamin B15: Có khả năng làm tăng độ dẻo dai ở vận động viên, dùng đúng giúp cải thiện một số bệnh lý về hô hấp, khớp, tim mạch và thần kinh. Vitamin B15 có nhiều trong quả mơ.
– Vitamin B17: Có trong quả mơ, quả mận, quả đào, hạt táo. Người Mexico dùng chất này trong một số thuốc cổ truyền để chữa bệnh ung thư. Vì thế họ cho rằng ăn nhiều mơ cũng có tác dụng phòng ngừa ung thư. Thực chất thịt quả mơ không có laetrile mà chỉ giàu ß-caroten.
– Vitamin F: Gồm 2 acid béo không no là acid Linolenic và acid α-Linolenic. Những acid này được gọi là acid béo chủ yếu, vì chúng có thể chuyển thành acid béo khác trong cơ thể động vật. Acid Linolenic có trong dầu hoa hướng dương, dầu ngô, hạt nho.
Acid α-Linolenic có trong dầu đậu nành, dầu dừa. Vai trò của chúng là thành phần tạo thành các chất béo khác mà cơ quan tiêu hóa dễ hấp thụ. Tác dụng của vitamin F là cần thiết cho sự phát triển, chống da khô và sần sùi.
– Vitamin I (Inositol): Có trong rau quả có tinh dầu, hạt đậu nhân, quả hạnh nhân. Tác dụng tham gia chuyển hóa chất béo, tạo ra các chất béo thành phần có phospho của các màng tế bào, ngăn ngừa không để chất béo đóng cục trong mạch máu. Thiếu vitamin I gây rụng lông, viêm da, suy nhược cơ thể và mỡ đọng cặn trong mạch máu. Inositol còn được chỉ định dùng cho trẻ đẻ thiếu tháng để phòng rối loạn hô hấp, chứng mờ mắt.
– Vitamin J (Choline): Có trong thực phẩm có mỡ, lòng đỏ trứng, gan, đậu tương, mầm lúa. Người ta hay dùng choline để tăng trí nhớ người già hoặc phối hợp điều trị Alzheimer. Cơ thể thiếu choline sẽ dẫn tới rối loạn về gan.
– Vitamin P (Flavonoid): Phần lớn là các sắc tố có trong thực vật, làm cho các rau quả có muôn màu muôn sắc. Các flavonoid có tác dụng chống oxy hóa rất tốt, được sử dụng trong phòng chống các bệnh tim mạch, ung thư. Chất flavonoid trong đậu nành (dưới dạng Isoflavon) có tác dụng phòng chống ung thư vú rất tốt.
– Sắc tố màu vàng: Màu vàng tươi hoặc vàng ngà có nhiều ở các thực vật trên mặt đất khi còn non, như các loại rau đậu, ít có ở phần củ (trừ củ hành). Ở trái cây, sắc tố này có nhiều ở phần vỏ, nhất là ở cam, chanh, bưởi, quýt…
– Sắc tố màu đỏ tím, hoặc xanh loại anthocyanine có nhiều trong lá, hoa, quả (quả việt quất, quả dâu, nho, lá cải, củ cải…). Loại tanin có nhiều trong các loại rau, quả như phúc bồn tử, lá và cành cây chè, trong rượu vang…
2.5. Bổ sung vitamin
Việc bổ sung vitamin cho cơ thể bằng cách ăn uống qua thực phẩm là giải pháp tốt nhất vì không chỉ được bổ sung vitamin và còn được bổ sung các khoáng chất và dưỡng chất quan trọng khác. Các vitamin trong thực phẩm vừa an toàn vừa dễ hấp thu, vừa dễ chuyển hóa. Chính vì vậy, bổ sung vitamin từ thực phẩm thông qua bữa ăn là vô cùng quan trọng. Ví dụ ăn trái cây để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa nhiễm virus thì nên ăn nhiều ăn táo, cam.
Tuy nhiên việc bổ sung vitamin qua thực phẩm không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Thường thì người ta hay ăn uống theo thói quen, sở thích, khẩu vị và điều kiện, do vậy việc thiếu hụt các vitamin là không tránh khỏi.
Do vậy, mọi người có thể bổ sung vitamin qua đường uống (thực phẩm bổ sung, thuốc,…). Việc bổ sung vitamin thông qua điều trị (dưới dạng thuốc) thì cần có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa để tránh uống thừa, tránh uống không đúng loại vitamin cần cho cơ thể, điều này có thể gây hại cho sức khỏe.
3. Vai trò của khoáng chất với cơ thể
3.1. Đặc điểm chung của khoáng chất
Cũng như vitamin, mỗi khoáng chất sẽ duy trì những nhiệm vụ riêng biệt, nhìn chung sẽ là tham gia vào quá trình hình thành, phát triển của xương và răng; là thành phần của các enzyme giúp đảm bảo chức năng của hệ thần kinh; là thành phần chính trong chất lỏng và hệ thống mô của cơ thể.
Khoáng chất tồn tại chủ yếu trong các loại thực phẩm và con đường hấp thụ dễ dàng nhất của khoáng chất chính là hoạt động ăn uống hàng ngày. Một người được xây dựng chế độ ăn uống đa dạng, phong phú thành phần các chất dinh dưỡng sẽ được bổ sung đầy đủ khoáng chất hơn.
Phần lớn mọi người đều có thể bị thiếu hụt chất khoáng nhưng không phải ai cũng có triệu chứng rõ rệt. Ví dụ như phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, trẻ em gái tuổi dậy thì, người có nếp sống ăn thuần chay thì nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt sẽ cao hơn so với những người khác do chế độ dinh dưỡng không phù hợp và thể trạng đặc thù.
3.2. Vai trò của các khoáng chất với cơ thể
Khoáng chất giữ một vị trí vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người, cụ thể là:
– Tham gia vào quá trình tổng hợp, cấu tạo nên hệ xương, giúp xương trở nên vững chắc và phát triển tốt hơn. Trong đó các khoáng chất như magie, canxi, photpho là các thành phần chính có trong xương và răng đồng thời cấu thành nên cơ, não;
– Hỗ trợ điều hòa tuần hoàn máu, hoạt động của hệ thống tim mạch và hệ tiêu hóa;
– Các chất khoáng cũng đóng vai trò xúc tác cho các hoạt động của enzyme;
– Tham gia vào các phản ứng hóa học như: i-ốt giúp tạo nên hormone tuyến giáp trạng (thyroxin) nên một người bị thiếu i ốt có thể mắc bệnh bướu cổ; sắt tham gia tổng hợp hemoglobin và góp mặt trong thành phần của các men oxy hóa, thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu; một số chất khác còn góp phần vào nhiệm vụ tạo máu đó là Cu và Co,…;
– Chất khoáng còn giúp cân bằng áp lực thẩm thấu dịch lỏng ở nội bào và ngoại bào. Trong đó natri có tác dụng điều hòa và chuyển hóa nước, tác động đến sự cân bằng và khả năng giữ nước cho cơ thể;
– Các chất khoáng còn có chức năng tham gia cấu thành nên chất béo và chất đạm cho cơ thể. Trong đó photpho là thành phần của các men quan trọng giúp chuyển hóa một số chất như lipid, protid, glucid, mô cơ, hô hấp tế bào mô và hệ thần kinh.
Bên cạnh những công dụng nêu trên, riêng đối với trẻ nhỏ và phụ nữ có thai, mẹ đang cho con bú thì khoáng chất còn đem lại những lợi ích như sau:
+ Đối phụ nữ mang thai và mẹ đang cho con bú: khi các mẹ bầu được cung cấp các khoáng chất đầy đủ sẽ giúp cả mẹ và bé khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, tránh các biến chứng nguy hiểm nếu bị thiếu hụt dinh dưỡng thiết yếu.
+ Đặc biệt ngay từ khi còn trong bụng mẹ, thai nhi sẽ nhận selen giúp tăng cường sức đề kháng, còn i-ốt hỗ trợ xây dựng hệ thần kinh của trẻ. Ngoài ra nhờ có các khoáng chất như canxi, photpho nuôi dưỡng, hệ xương và răng của trẻ được phát triển khỏe mạnh. Nếu thiếu đi các khoáng chất quan trọng này, trẻ sẽ gặp phải tình trạng xốp xương, thay đổi cấu trúc các mô liên kết khiến xương bị mềm và biến dạng, gây còi xương, suy dinh dưỡng. Điều này càng tệ hơn nếu trẻ bị thiếu hụt vitamin D nghiêm trọng.
3.3. Xếp loại khoáng chất
Khoáng chất là một nhóm những chất vô cơ đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể. Có khoảng gần 60 nguyên tố được xếp thành 2 nhóm chính như sau:
– Nhóm các nguyên tố đa lượng: là các chất có hàm lượng lớn như Mg, P, Ca, Na, K…
– Nhóm các nguyên tố vi lượng: là các chất có hàm lượng nhỏ bao gồm Cu, Fe, Co, Zn, Mn, I ốt, Cl…;
3.4. Một số khoáng chất đặc biệt
Một số khoáng chất điển hình như:
– Magie: cần thiết cho chức năng của hệ tiêu hóa nhất là các cơ co thắt và xung thần kinh. Đồng thời Magie còn tham gia kiểm soát lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp, duy trì sự chắc khỏe của xương.
– Selen: là cấu thành của men glutathione peroxidase ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch, tác động đến sự phát triển của bạch cầu. Thiếu hụt selen gây ức chế miễn dịch, suy giảm chức năng bạch cầu, ngăn chặn rối loạn chuyển hóa trong hệ tiêu hóa.
– Sắt: cần thiết cho quá trình tạo các tế bào máu. Thiếu sắt sẽ gây thiếu máu, rụng tóc, đau đầu chóng mặt.
– Kẽm: kích thích hoạt động của các enzyme, hỗ trợ hệ miễn dịch, bảo vệ vị giác, khứu giác, liên quan đến sự tổng hợp DNA.
– Clorua: là một khoáng chất đặc biệt trong cơ thể, là thành phần của dịch dạ dày. Clorua cùng với Natri giúp cơ thể cân bằng hệ chất lỏng trong cơ thể.
– Kali: cần thiết cho hệ thần kinh trung ương, cũng tham gia vào cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Khi nồng độ Kali bị rối loạn có thể gây rối loạn nhịp tim.
– Natri: kết hợp với Clorua sẽ giúp cân bằng dịch ngoại bào, điều chỉnh huyết áp.
3.5. Vấn đề bổ sung khoáng chất
Cũng như vitamin, việc bổ sung chất khoáng theo đường ăn uống thực phẩm tự nhiên là tốt nhất, ngoài ra cũng có thể tăng cường chất khoáng thông qua một số loại thực phẩm chức năng khác. Tuy nhiên an toàn nhất vẫn là bổ sung bằng thực phẩm. Chính vì vậy việc cân đối chế độ ăn uống hàng ngày cũng rất quan trọng. Sau đây là những thực phẩm chứa nhiều chất khoáng bạn nên sử dụng hàng ngày:
- Thực phẩm cung cấp nhiều nguyên tố vi lượng bao gồm: ngũ cốc, thịt, đậu, cá, trứng,..;
- Thực phẩm chứa nguyên tố đa lượng: các loại rau củ, rau lá, sữa, quả tươi,…
Khi bị thiếu hụt chất khoáng, cơ thể sẽ xuất hiện những triệu chứng bất thường và rủi ro gặp phải nhiều vấn đề bệnh lý là rất cao, điển hình là gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, cảm cúm, huyết áp cao, rối loạn lo âu, trầm cảm, đau nhức cơ, đau nhức xương khớp, xương yếu và kém tăng trưởng, rối loạn tiêu hóa,…
Ngược lại nếu bổ sung quá nhiều khoáng chất cũng có thể khiến cơ thể phải đối diện với nhiều vấn đề khác về sức khỏe, ví dụ như hay quên, trí nhớ kém, bệnh Alzheimer, tóc rụng nhiều, mệt mỏi, trầm cảm, rối loạn tiêu hóa, bất dung nạp glucose, nguy cơ bị tiểu đường, giảm nồng độ testosterone trong máu, bệnh Parkinson, suy dinh dưỡng, thị lực suy giảm,… Đây có thể là biểu hiện của ngộ độc khoáng chất, vì vậy nên thực hiện các loại xét nghiệm cần thiết để kiểm tra tình trạng này và xác định phương án điều trị phù hợp.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.953.559
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com