CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG BỆNH UNG THƯ
Trước kia, ung thư là một trong “Tứ chứng nan y”, đồng nghĩa việc mắc ung thư là tử vong. Ngày nay, với tiến bộ của khoa học y học và dược học, nhiều loại ung thư đã được chữa khỏi, nhiều loại ung thư được chữa có kết quả tốt, lui bệnh nhiều năm.
Nội dung
1. Khái quát về bệnh ung thư
Ung thư là tập hợp các bệnh lý đặc trưng bởi sự tăng sinh bất thường của các tế bào phân chia không kiểm soát và có khả năng xâm nhập, phá hủy các mô cơ thể bình thường.
Hầu hết, các tế bào trong cơ thể đều có chức năng cụ thể và tuổi thọ cố định. Trong quá trình sống, một tế bào ở một độ tuổi nhất định sẽ nhận được chỉ thị để chết và cơ thể có thể thay thế nó bằng một tế bào mới hơn, hoạt động tốt hơn. Các tế bào ung thư bị thiếu các yếu tố hướng dẫn chúng ngừng phân chia và chết. Kết quả dẫn đến sự tích tụ các tế bào ung thư trong cơ thể, sử dụng oxy và chất dinh dưỡng quá mức bình thường, lấn át các tế bào khác.
Các tế bào ung thư có thể xuất hiện ở một vi trí, sau đó lan rộng đến các cơ quan khác qua hạch bạch huyết. Một số loại ung thư gây ra sự phát triển tế bào nhanh chóng, trong khi những loại khác làm cho các tế bào phát triển và phân chia với tốc độ chậm hơn.
Có hơn 200 loại ung thư khác nhau. Ung thư thường được gọi tên theo cơ quan mà nó phát sinh, ví dụ: Ung thư gan phát sinh từ các tế bào gan, ung thư phổi phát sinh từ các tế bào phổi. Ung thư cũng có thể được gọi theo loại tế bào hình thành chúng như ung thư biểu mô (carcinoma) hay ung thư mô liên kết (sarcoma). Ngoài ra các ung thư có thể phát triển từ tế bào máu, như là các bệnh máu ác tính: leukemia, lymphoma …
2. Triệu chứng bệnh ung thư
Các dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi ung thư thay đổi tùy thuộc vào cơ quan của cơ thể bị ảnh hưởng cũng như giai đoạn phát triển của bệnh. Về cơ bản, ở giai đoạn sớm, cơ thể sẽ khó nhận thấy những dấu hiệu khác biệt. Tuy nhiên, một số dấu hiệu và triệu chứng chung liên quan nhưng không đặc hiệu với ung thư có thể kể đến bao gồm:
- Mệt mỏi;
- Thay đổi cân nặng bất thường, bao gồm giảm hoặc tăng ngoài ý muốn;
- Thay đổi da, như vàng, sạm hoặc đỏ da, vết loét không lành hoặc thay đổi nốt ruồi hiện có;
- Ho dai dẳng hoặc khó thở;
- Khó nuốt, khàn tiếng;
- Khó tiêu dai dẳng hoặc khó chịu sau khi ăn;
- Đau cơ hoặc đau khớp dai dẳng;
- Chảy máu không rõ nguyên nhân hoặc bầm tím.
3. Các giải pháp phòng bệnh ung thư
Theo các nghiên cứu khoa học, ước tính có khoảng 50% loại ung thư có thể phòng ngừa được. Việc phòng bệnh ung thư hiệu quả nhất là việc tránh xa hoặc giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ. Mỗi loại ung thư lại có các tác nhân và yếu tố nguy cơ khác nhau. Trong đó việc phòng bệnh trước tiên là phòng ngừa nhằm cố gắng loại trừ hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các chất gây ung thư để phòng không cho xảy ra sự khởi phát bệnh ung thư.
Các giải pháp sau đây có thể giúp phòng ngừa phần lớn các loại ung thư:
3.1. Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới khoảng 21% tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới, trong đó 90% ung thư phổi, 75% ung thư miệng, thực quản, hạ họng thanh quản, 5% ung thư bàng quang và nhiều loại ung thư khác. Nguy cơ gây ung thư tăng theo thời gian hút thuốc, hút thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ. Do vậy không hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả không hút thuốc lá điện tử hay không hút thuốc lá thụ động sẽ là giải pháp hàng đầu trong phòng bệnh ung thư.
3.2. Chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý
Dinh dưỡng không phù hợp được xếp là nguyên nhân quan trọng thứ hai gây bệnh ung thư. Việc ăn nhiều mỡ, gia vị, ăn các loại thức ăn bị mốc (trong đó sản sinh chất aflatoxin gây ung thư), ăn thức ăn quá nóng hoặc uống nước quá nóng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ung thư. Khi thiết lập được một chế độ ăn, uống khoa học, hợp lý, ăn đủ lượng, đủ chất, điều độ thì sẽ phòng được phần lớn các loại ung thư tiêu hoá. Việc ăn nhiều hoa quả, rau giúp cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin nhất là β caroten trong các rau quả màu đỏ (cà rốt, cà chua…) có tính chất chống ung thư.
3.3. Tránh lạm dụng rượu, bia
Nghiện rượu, bia có thể sẽ gây ung thư gan, khoang miệng, thực quản và phần trên thanh quản, dạ dày và đại tràng. Việc tránh lạm dụng đồ uống có cồn sẽ tránh được phần lớn các loại ung thư kể trên.
3.4. Yếu tố môi trường
Một số yếu tố môi trường có liên quan tới ung thư như phóng xạ (bức xạ tia cực tím từ mặt trời liên quan tới ung thư da và bức xạ ion hoá trong chụp X-quang, cắt lớp vi tính có liên quan tới nhiều loại ung thư như ung thư tuyến giáp, bệnh bạch cầu), không khí ô nhiễm (tăng nguy cơ ung thư phổi), nước có nhiễm arsen (liên quan tới ung thư bàng quang). Khi được sống ở môi trường trong lành, không có các yếu tố nguy cơ thì sẽ giảm được tối đa các loại ung thư như trên.
3.5. Thừa cân, Béo phì
Người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường và là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% các loại ung thư như ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, buồng trứng, tuỵ, ung thư vú sau mãn kinh. Việc kiểm soát cân nặng trong phạm vi cho phép (chỉ số BMI trong khoảng từ 19-23) sẽ giúp giảm tối đa nguy cơ mắc các loại ung thư kể trên.
3.6. Lối sống lành mạnh, tích cực
Lối sống ít vận động, tuỳ tiện, không điều độ cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 5% các trường hợp tử vong do ung thư. Do vậy, luyện tập thường xuyên thể dục thể thao ở mức độ phù hợp, sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc sẽ giảm tối đa các nguy cơ mắc bệnh ung thư.
3.7. Nhiễm trùng
Ước tính có khoảng 17% ca mới mắc ung thư trên toàn thế giới có liên quan tới nhiễm trùng. Một số virus được biết là nguyên nhân gây ung thư ở người, virus viêm gan B, virus Epstein – Barr, virus bướu gai (HPV) và virus gây bệnh bạch cầu dòng lympho T ở người (HTLV). Vì vậy để phòng nhiễm virus viêm gan bằng cách tiêm chủng vắc xin viêm gan B, phòng ung thư cổ tử bằng cách tiêm vắc xin phòng một số typ HPV đặc biệt là typ 16, 18, 31 và 45 sẽ giúp tránh được các loại ung thư này.
3.8. Yếu tố di truyền
Tiền sử gia đình cũng xem là yếu tố nguy cơ của một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư võng mạc mắt, bệnh khô da nhiễm sắc tố. Ở một số nước có phòng khám gen để tìm gen gây ung thư. Phòng bệnh bằng một số biện pháp như bệnh xơ da nhiễm sắc không nên ra ánh nắng hoặc cắt polyp, cắt đại tràng trong bệnh đa polyp gia đình. Việc khám sức khoẻ định kỳ sẽ giúp những người có yếu tố di truyền phát hiện bệnh sớm. Đối với nữ giới trên 40 tuổi và nam giới trên 45 tuổi nên đi khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.953.559
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com