BỆNH UNG THƯ XƯƠNG
Mặc dù ít gặp hơn so với các bệnh ung thư khác nhưng tỷ lệ mắc ung thư xương vẫn đang ngày một gia tăng. Bệnh hay gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi. Tiến triển của bệnh từ từ, triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh thường đến viện ở giai đoạn muộn.
1. Khái niệm về ung thư xương
Ung thư xương là bệnh xảy ra khi có một khối u hoặc một khối mô bất thường hình thành, xuất hiện trong xương. Đây là loại ung thư liên kết (không phải ung thư biểu mô) từ 3 loại tế bào: tế bào tạo xương, tế bào tạo sụn và tế bào liên kết của mô xương. Một khối u được đánh giá ác tính (ung thư) khi phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư xương thường không bao gồm các bệnh ung thư bắt đầu ở những cơ quan khác trong cơ thể rồi di căn đến xương. Các trường hợp di căn thường được đặt tên theo nơi chúng bắt đầu xuất hiện, chẳng hạn như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày hay ung thư gan di căn đến xương.
Khối u có thể bắt đầu từ bất kỳ một xương nào đó trong cơ thể, tuy nhiên các xương dài như xương chày, xương đùi, xương cánh tay hoặc các xương dẹt như xương chậu, xương ức và xương bả vai thường là nơi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư xương.
2. Đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư xương
Có một số yếu tố góp phần gây ra hoặc làm tăng khả năng hình thành các khối u phát triển bất thường trong xương như:
– Yếu tố di truyền: những người có tiền sử gia đình bị ung thư, đặc biệt là ung thư liên quan đến xương hoặc sụn;
– Đã từng được điều trị một bệnh khác hoặc xạ trị trong quá khứ;
– Bệnh Paget: là một tình trạng khiến xương bị gãy và sau đó phát triển trở lại bất thường;
– Hiện tại hoặc trước đây có nhiều khối u trong sụn.
Nội dung
3. Nguyên nhân gây bệnh ung thư xương
Nguyên nhân dẫn đến ung thư xương chủ yếu là do di truyền liên quan đến sự biến đổi gen trong quá trình nhân lên của tế bào (còn gọi là quá trình phân bào). Đối tượng chính của bệnh lý này là những trẻ nhỏ trong độ tuổi phát triển xương. Ngoài ra, một số lý do khác gây ra ung thư xương có thể kể đến gồm:
– Bức xạ ion hóa: Có sự biến đổi các tế bào khi người bệnh tiếp xúc nhiều với những tia ion hóa trong quá trình thực hiện xạ trị dẫn đến bệnh ung thư xương.
– Chấn thương: Nếu xảy ra va chạm mạnh hoặc bị tác động từ các yếu tố bên ngoài trong khoảng thời gian nhất định có thể gây ra ung thư xương.
4. Xếp loại ung thư xương
4.1. Ung thư xương nguyên phát
Ung thư xương nguyên phát là loại ung thư xương nghiêm trọng nhất. Khối u ác tính hình thành trực tiếp trong xương hoặc mô xung quanh, chẳng hạn như sụn.
Đây là bệnh lý hiếm gặp, chiếm khoảng 1% các loại bệnh ung thư. Bệnh thường xảy ra nhất ở tuổi vị thành niên và người trẻ dưới 30 tuổi, nhưng có khoảng 10% các trường hợp mắc ung thư phát triển ở những người trong độ tuổi 60 – 70. Những khối u xương thường xuất hiện ở xương cánh tay, xương đùi, xương cẳng chân hoặc xương chậu.
4.2. Ung thư xương thứ phát
Ung thư xương cũng có thể lây lan hoặc di căn từ các bộ phận khác của cơ thể đến xương. U xương ác tính thứ phát xuất hiện phổ biến hơn so với nguyên phát. Ung thư thứ phát phổ biến bao gồm:
a. Đa u tủy xương (Multiple Myeloma hay bệnh Kahler)
Là loại phổ biến nhất, đa u tủy xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển trong tủy xương và gây ra các khối u ở các xương khác nhau. Bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi. Đây là bệnh có tiên lượng tốt nhất nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
b. Sarcoma xương (Osteogenic Sarcoma)
Sarcoma xương, hoặc sarcoma tạo xương, thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Bệnh có xu hướng bắt nguồn từ phần đầu của các xương dài ở tay và chân. Ngoài ra, loại u xương ác tính này cũng có thể bắt đầu ở hông, vai hoặc các vị trí khác. Nó ảnh hưởng đến mô cứng (lớp ngoài của xương).
c. Sarcoma sụn (Chondrosarcoma)
Sarcoma sụn có thể xảy ra ở xương chậu, vùng đùi và vai của người lớn tuổi. Đây là loại ung thư nguyên phát phổ biến thứ hai liên quan đến xương. Nó hình thành trong mô dưới sụn, là mô liên kết cứng giữa xương.
d. Ewing’s Sarcoma
Ewing’s sarcoma là một loại ung thư hiếm gặp, bắt đầu từ các mô mềm bao quanh xương hoặc trực tiếp trong xương của trẻ em và thanh niên. Các xương dài của cơ thể, chẳng hạn như cánh tay, chân và xương chậu thường bị ảnh hưởng.
5. Triệu chứng ung thư xương
Ở mỗi giai đoạn bệnh sẽ có những biểu hiện cụ thể và khác nhau. Vậy ung thư xương thường có biểu hiện như sau:
5.1. Giai đoạn đầu
– Bệnh nhân thường xuất hiện dấu hiệu mơ hồ, rất dễ bỏ qua nếu không chú ý.
– Biểu hiện đặc trưng mà bất kỳ người bệnh nào cũng gặp phải là đau xương, nhất là khi hoạt động mạnh và thường đau về đêm.
– Tại vị trí đau, người bệnh có thể sờ thấy một khối u to.
– Nếu vùng xương bị ung thư không có cơ che phủ thì vùng da gần vị trí ung thư xương này có thể ấm hơn các vùng khác, bề mặt nổi các mạch máu xanh tím.
5.2. Giai đoạn tiến triển
– Người bệnh sụt cân không có lý do, thường xuyên mệt mỏi, sốt nhẹ.
– Tăng dần cảm giác đau xương và cảm nhận rõ xương yếu đi. Liên tục đau xương và không thuyên giảm mặc dù đã uống thuốc giảm đau.
– Sưng to tại vùng xương bị đau.
– Xương dễ bị gãy dù không có chấn thương, dễ dẫn đến liệt chân.
– Nếu ung thư xương di căn đến các cơ quan khác như tim, phổi, não, gan… thì có thể xuất hiện triệu chứng đặc trưng ở các cơ quan này.
6. Chẩn đoán ung thư xương
Ngoài các triệu chứng lâm sàng, người bệnh cần được làm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định bệnh, bao gồm:
– Chụp X-quang xương thẳng – nghiêng: Nhằm đánh giá các phần mềm bị xâm lấn, xác định ranh giới, vị trí và số lượng tổn thương.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng xương tổn thương: Đánh giá mức độ lây lan của tổn thương trong tủy xương, xương hoặc ngoài xương.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đánh giá tổn thương xâm lấn trong xương, mô mềm, mạch máu, tủy xương và thần kinh
– Chụp xạ hình xương: Theo dõi, xác định mức độ tổn thương và đánh giá sự tối ưu trong điều trị.
– Chụp PET/CT: Theo dõi và nhận biết sarcoma xương tái phát, sarcoma phần mềm và di căn xa. Phân biệt cụ thể các tổn thương lành tính hay ác tính.
– Sinh thiết: Sinh thiết kim lớn hoặc mở giúp bác sĩ phân loại, chẩn đoán và đánh giá mức độ ác tính của thương tổn.
– Các phương pháp xét nghiệm khác: Xét nghiệm các marker ung thư và các thăm dò cơ quan khác như chụp phổi, siêu âm các cơ quan, chụp sọ não,…
7. Điều trị ung thư xương
Chữa bệnh ung thư xương cần sự phối hợp nhiều chuyên khoa: xạ trị, hóa trị, chấn thương chỉnh hình, giải phẫu và chẩn đoán hình ảnh. Ngày nay, chữa ung thư xương đạt kết quả khá tốt, có khoảng 70% số lượng bệnh nhân có thể sống trên 5 năm. Các biện pháp chữa ung thư xương phổ biến hiện nay gồm: phẫu thuật, hóa chất và xạ trị.
7.1. Phẫu thuật
Đây là phương pháp cắt bỏ khối u điều trị triệt căn. Nguyên tắc là loại bỏ hết những thương tổn và cắt bỏ rộng các tế bào bị xâm lấn, bảo đảm vị trí phẫu thuật không còn khối u ác tính. Hậu quả của phương pháp này là người bệnh có thể bị khuyết toàn bộ 1 xương hoặc chỉ 1 đoạn xương.
Ngay nay, phương pháp phẫu thuật cắt cụt chi dần bị thay thế bởi phẫu thuật bảo tồn. Tạo hình khớp và xương lại sau hậu phẫu loại bỏ khối u gồm các biện pháp phẫu thuật bảo tồn chi sau:
- Dùng xương đồng loại ghép, nghĩa là xương do người chết tặng, hiến.
- Dùng các nguyên liệu nhân tạo như, vật liệu y sinh, hợp kim, titan,…
– Xử lý dung dịch Nitơ lỏng hoặc dùng mảnh xương ghép tự thân.
7.2. Hóa chất
Đây là biện pháp dùng thuốc để triệt tiêu khối u, có 2 công dụng chủ yếu là:
- Tác dụng tại chỗ: Người bệnh có thể áp dụng hóa trị trước biện pháp phẫu thuật để làm khối u nhỏ lại và không còn phát triển. Hoặc có thể sau điều trị phẫu thuật nhằm loại bỏ các khối u còn sót lại, đồng thời hạn chế bệnh tái phát.
– Tác dụng toàn thân: Giúp loại bỏ khối u không chỉ tại các tế bào ung thư mà còn tại những khu vực di căn và giúp người bệnh có thể thời gian để sống.
7.3. Xạ trị
– Phương pháp này làm khối u dừng di căn và phát triển.
– Ngoài trừ sarcoma Ewing có phần nhạy cảm thì đa số các loại ung thư xương đều không đáp ứng với phương pháp xạ trị.
– Áp dụng xạ trị để hạn chế các triệu chứng gãy xương và chống đau.
8. Phòng bệnh ung thư xương
Không phải lúc nào cũng phòng được ung thư xương. Tuy nhiên, một lối sống lành mạnh, khoa học, làm việc điều độ, nghỉ ngơi hợp lý có thể hạn chế nguy cơ ung thư xương:
- Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là cung cấp đủ canxi, ít chất béo, có thể dung nạp nhiều trái cây và rau xanh.
- Nên tránh tiếp xúc trực tiếp với tia UV trong ánh mặt trời cũng như các loại hóa chất độc hại khác.
- Thực hiện lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực, ngủ đủ giấc.
- Tập thể dục ở mức độ vận động nhẹ nhàng, giãn gân cốt.
- Khám sức khoẻ định kỳ, ít nhất 1 lần/năm.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.953.559
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com