BỆNH UNG THƯ TINH HOÀN
Ung thư tinh hoàn là một bệnh hiếm gặp và đặc thù ở nam giới. Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng nên âm thầm di căn đến nhiều bộ phận khác, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn.
1. Khái niệm về ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn là tình trạng khối u ác tính xuất hiện tại một hoặc cả hai tinh hoàn. Khối u ác tính này phát triển ngày một to ra và rồi xâm lấn ra toàn bộ tinh hoàn. Đến một mức độ nào đó, toàn bộ tinh hoàn là một khối ung thư. Do tinh hoàn là một cơ quan sinh dục đặc thù ở nam dẫn đến ung thư tinh hoàn là một bệnh đặc thù của giới này. Ung thư tinh hoàn là nguyên nhân ảnh hưởng không những tới khả năng sinh sản mà còn ảnh hưởng tới chất lượng phát triển đặc điểm giới tính nam ở người. Ung thư tinh hoàn là bệnh lý tương đối hiếm xảy ra ở tinh hoàn. Bệnh có khả năng chữa trị thành công rất cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tùy thuộc vào loại ung thư và giai đoạn ung thư, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng những phương pháp khác nhau. Việc phát hiện các khối u tinh hoàn ở giai đoạn I, tỷ lệ sống sau 5 năm là 98%, ở giai đoạn II là 95% và ở giai đoạn III thì chỉ còn 6%. Các bệnh nhân ung thư tinh hoàn đã có di căn hạch thì tiên lượng chắc chắn xấu hơn là chưa có di căn hạch. Số hạch di căn càng nhiều thì tiên lượng bệnh càng xấu.
2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư tinh hoàn
Hiện nay, các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị đột biến sẽ xuất hiện ung thư tinh hoàn. Gần như các bệnh ung thư tinh hoàn đều bắt đầu trong tế bào mầm (đây là những tế bào trong tinh hoàn có nhiệm vụ tạo ra tinh trùng chưa trưởng thành). Nguyên nhân tại sao các tế bào mầm trở nên bất thường và phát triển thành ung thư thì vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Thường thì ung thư tinh hoàn được chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn I: Khối u khu trú ở tinh hoàn;
- Giai đoạn II: Tế bào ung thư đã lan ra hạch bạch huyết ở vùng bụng dưới;
- Giai đoạn III: Ung thư di căn tới những vùng khác trên cơ thể như não, phổi, gan, xương, dạ dày…
3. Những người có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn
Nguy cơ ung thư tinh hoàn tăng lên khi gặp các yếu tố sau:
- Tinh hoàn lạc chỗ: Ở giai đoạn bào thai, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Trước khi chuyển dạ, tinh hoàn sẽ di chuyển dần qua ống bẹn xuống bìu. Bệnh tinh hoàn ẩn xuất hiện khi quá trình di chuyển từ ổ bụng xuống bìu không suôn sẻ. Do nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn nhiệt độ trong bìu nên khi tinh hoàn nằm lại ổ bụng dễ bị thoái hóa, gây vô sinh. Bệnh còn làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn. Ngay cả khi được phẫu thuật để di chuyển tinh hoàn từ ổ bụng xuống bìu thì nguy cơ ung thư tinh hoàn vẫn tăng cao.
- Tinh hoàn phát triển bất thường: khi gặp hội chứng Klinefelter khiến tinh hoàn phát triển bất thường từ đó làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn.
- Tiền sử gia đình: Nếu có các thành viên trong gia đình đã từng bị ung thư tinh hoàn, những người nam khác có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này.
- Tuổi tác: Ung thư tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên ảnh hưởng nhiều đến thanh thiếu niên và nam giới trẻ tuổi, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 15 đến 35.
- Dân tộc: Ung thư tinh hoàn thường gặp nhiều ở đàn ông da trắng hơn da đen.
4. Triệu chứng của bệnh
Các triệu chứng thường gặp của ung thư tinh hoàn bao gồm:
- Có cơn đau âm ỉ ở bụng hoặc háng;
- Cảm giác nặng nề ở bìu;
- Đau hoặc khó chịu ở tinh hoàn hoặc bìu;
- Có u cục và càng ngày càng lớn ở một trong hai tinh hoàn;
- Có chất dịch lỏng trong bìu;
- Đau lưng;
- Vú to hoặc đau;
- Ung thư thường chỉ ảnh hưởng đến một tinh hoàn.
Vì vậy, hãy đi khám sớm nếu có bất kỳ triệu chứng đau, sưng hoặc vón cục ở tinh hoàn hay háng, đặc biệt là nếu các dấu hiệu và triệu chứng này kéo dài trong khoảng từ 2 tuần trở lên.
5. Chẩn đoán bệnh ung thư tinh hoàn
Trong một số trường hợp, nam giới vô tình hoặc phát hiện khi đi khám sức khỏe thì phát hiện có khối u ở tinh toàn. Trong một số trường hợp khác, các bác sĩ có thể phát hiện một khối u trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ. Để xác định xem khối u đó có phải là ung thư tinh hoàn hay không, các bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như sau:
5.1. Siêu âm: Siêu âm tinh hoàn sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh. Việc siêu âm giúp các bác sĩ xác định bản chất của khối u tinh hoàn, có thể là các khối rắn hoặc chứa đầy chất lỏng. Siêu âm cũng giúp các bác sĩ biết vị trí khối u ở bên trong hay bên ngoài tinh hoàn.
5.2. Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để xác định các dấu hiệu chỉ điểm ung thư trong máu. Dấu hiệu chỉ điểm ung thư là những chất bình thường vẫn có trong máu, nhưng mức độ của các chất chỉ điểm này có thể tăng lên trong một số trường hợp của bệnh, trong đó có ung thư tinh hoàn. Mức độ cao của chất chỉ điểm ung thư trong máu không có nghĩa chắc chắn là bị ung thư, nhưng nó có thể giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán bệnh.
6. Điều trị bệnh
Việc lựa chọn các phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm giai đoạn ung thư và loại ung thư, sức khỏe tổng thể cũng như nguyện vọng của người bệnh.
6.1. Phẫu thuật:
- Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn là phương pháp điều trị chính cho gần như tất cả các giai đoạn và các loại ung thư. Để cắt bỏ tinh hoàn, bác sĩ phẫu thuật thực hiện một vết mổ ở háng và lấy toàn bộ tinh hoàn thông qua lỗ mổ. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt tinh hoàn giả chứa đầy nước muối vào bìu. Trong trường hợp ung thư tinh hoàn giai đoạn đầu, phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn là phương pháp điều trị duy nhất.
- Phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết gần đó được thực hiện thông qua một vết mổ ở bụng. Các bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện để tránh làm tổn thương các dây thần kinh xung quanh các hạch bạch huyết, trong một số trường hợp có thể không tránh khỏi tổn thương cho các dây thần kinh lân cận. Các dây thần kinh bị tổn thương có thể gây khó khăn khi xuất tinh.
6.2. Xạ trị:
- Xạ trị là việc sử dụng các chùm năng lượng mạnh như tia X để tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong quá trình xạ trị, người bệnh nằm trên bàn và một cỗ máy lớn di chuyển xung quanh cơ thể để nhắm các chùm năng lượng vào điểm đã định xác định từ trước trên cơ thể người bệnh.
- Liệu pháp xạ trị có thể được thực hiện đơn độc hoặc sau khi người bệnh đã phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Tuy nhiên, việc xạ trị cũng có các dụng phụ như buồn nôn, mệt mỏi, đỏ da, kích ứng ở vùng bụng và háng. Việc xạ trị cũng có khả năng làm giảm số lượng tinh trùng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở một số nam giới, do đó người bệnh cần được bác sĩ tư vấn về các lựa chọn để bảo quản tinh trùng trước khi bắt đầu tiến hành xạ trị.
7. Phòng bệnh
- Đối với các gia đình mới sinh bé trai, cần kiểm tra ngay xem có dị tật bẩm sinh về hệ tiết niệu – sinh dục hay không. Việc cần nhất là xem 2 tinh hoàn có nằm trong bìu hay ở vị trí khác? Trong trường hợp tinh hoàn không ở trong bìu thì cần phải phẫu thuật để di chuyển tinh hoàn xuống bìu trước 4 tuổi.
- Tất cả nam giới, nhất là thanh niên phải biết cách tự kiểm tra tinh hoàn của mình. Khi thấy có dấu hiệu bất thường như tinh hoàn bên này to hơn bên kia và cảm thấy nặng ở bìu, vướng, đau, có u cục bất thường thì phải đi
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.953.559
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com