Bệnh truyền nhiễm và cách phòng
Bệnh truyền nhiễm là bệnh nhiễm trùng có khả năng lây từ người sang người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua môi trường trung gian (như thức ăn, đường hô hấp, đồ dùng chung, máu, da, niêm mạc, không khí…) và có khả năng phát triển thành dịch, thậm chí đại dịch.
Nội dung
1. Bệnh truyền nhiễm là gì?
Bệnh truyền nhiễm (còn gọi là bệnh lây nhiễm, bệnh lây) là dạng bệnh rất phổ biến. Nguyên nhân gây ra bệnh lây nhiễm là do vi sinh vật (như vi khuẩn, vi rút, nấm hay ký sinh trùng) gây ra, bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và có thể trở thành dịch, đại dịch nguy hiểm với nhiều người mắc.
Tuy nhiên, khi đã mắc các bệnh truyền nhiễm, cơ thể người bệnh sẽ có đáp ứng miễn dịch (đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào). Đó được gọi là quá trình tạo thành miễn dịch. Tùy theo từng loại tác nhân gây bệnh và cơ thể mỗi người mà đáp ứng miễn dịch được hình thành với mức độ, thời gian tồn tại và khả năng bảo vệ khác nhau.
Bệnh truyền nhiễm là bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan từ người này sang người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua môi trường trung gian (như thức ăn, đường hô hấp, đồ dùng chung, máu, da, niêm mạc…) và có khả năng phát triển thành dịch hoặc đại dịch.
Nhiễm khuẩn không nhất thiết là có bệnh, tuy thế những người lành mang mầm bệnh vẫn có nguy cơ lây truyền cho người khác khi gặp điều kiện thuận lợi. Cũng là bệnh nhiễm trùng nhưng không có khả năng phát triển thành dịch thì không gọi là bệnh truyền nhiễm.
Bệnh truyền nhiễm được xếp loại theo đường lây và chia ra 5 nhóm bệnh. Cụ thể:
- Bệnh lây theo đường máu;
- Bệnh lây theo đường da và niêm mạc;
- Bệnh lây theo đường tiêu hoá;
- Bệnh lây theo đường hô hấp;
- Bệnh có thể lây bằng nhiều đường.
2. Đặc điểm bệnh truyền nhiễm
– Bệnh truyền nhiễm bao giờ cũng có nguyên nhân cụ thể, đó là do một mầm bệnh nào đó gây nên (tính đặc hiệu), có thể lan truyền bệnh thành dịch trong cộng đồng và tiến triển có chu kỳ.
– Bệnh diễn biến theo chu kỳ và chu kỳ của bệnh lây nhiễm bao gồm đầy đủ các thời kỳ sau:
+ Thời kỳ nung bệnh (ủ bệnh): là thời gian từ khi vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể đến khi xuất hiện những triệu chứng lâm sàng đầu tiên.
+ Thời kỳ khởi phát: là thời kỳ bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng lâm sàng của bệnh, đặc biệt là triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.
+ Thời kỳ toàn phát: là thời kỳ bệnh nhân biểu hiện đầy đủ các triệu chứng lâm sàng. Thăm khám và xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán và tiên lượng bệnh. Các biến chứng cũng hay xuất hiện làm cho bệnh nặng thêm và có nguy cơ tử vong ở thời kỳ này.
+ Thời kỳ lui bệnh: Là thời kỳ các triệu chứng của bệnh thuyên giảm một cách đột ngột hoặc từ từ. Biến chứng thường thấy trong giai đoạn này là bội nhiễm do quá trình săn sóc điều dưỡng kém hoặc do một bệnh tiềm ẩn bộc phát trên cơ thể người bệnh.
+ Thời kỳ hồi phục (lại sức): thời kỳ này thường kéo dài chậm chạp. Những bệnh nhân suy nhược, suy dinh dưỡng rất dễ nhiễm một bệnh nhiễm trùng khác như bệnh lao, viêm phế quản… Trong lâm sàng thăm khám bệnh rất khó để phân biệt rõ được thời kỳ lui bệnh và hồi phục vì không có dấu hiệu rõ ràng.
3. Xếp loại các bệnh truyền nhiễm hiện nay
Mỗi bệnh truyền nhiễm có đặc điểm về tác nhân gây bệnh, mức độ lây truyền, tỷ lệ gây tử vong khác nhau. Theo Điều 3 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 219/QĐ-BYT năm 2020) quy định về bệnh truyền nhiễm gồm 3 nhóm:
3.1. Nhóm A
Gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm: bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nile; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh; bệnh COVID-19 (hiện đã chuyển sang nhóm B).
3.2. Nhóm B
Gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm: bệnh do vi rút Adeno; bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ Amibe; bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue; bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Rubeon; bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rota; bệnh do vi rút Zika; bệnh đậu mùa khỉ.
3.3. Nhóm C
Gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm: bệnh do Chlamydia; bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Candida albicans; bệnh Nocardia; bệnh phong; bệnh do vi rút Cytomegalo; bệnh do vi rút Herpes; bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rickettsia; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Hanta; bệnh do Trichomonas; bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Coxsakie; bệnh viêm ruột do Giardia; bệnh viêm ruột do Vibrio Parahaemolyticus và các bệnh truyền nhiễm khác.
4. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp
4.1. Bệnh cúm
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính của đường hô hấp do vi rút cúm gây ra. Bệnh với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
Có rất nhiều chủng vi rút cúm khác nhau, bệnh có thể trở thành dịch hoặc đại dịch như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 hay dịch COVID 19 năm 2019.
4.2. Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue còn được gọi chung là bệnh sốt xuất huyết gây ra do vi rút Dengue. Có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4, bệnh có biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc dengue.
Bệnh nhân bị nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó mà thôi. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch dengue có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.
4.3. Lỵ trực khuẩn
Bệnh lỵ trực khuẩn (trực trùng) là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa do trực khuẩn lỵ gây nên. Bệnh thường có diễn biến lành tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng phức tạp hoặc thậm chí là tử vong. Vì vậy, cần nắm rõ phương pháp phòng ngừa và triệu chứng của bệnh lỵ trực trùng để có thể chủ động phòng bệnh và điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng.
4.4. Lỵ amip
Lỵ amip là bệnh nhiễm trùng đường ruột thường gặp, xảy ra do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng xâm nhập và gây hại. Tình trạng này cần được điều trị kịp thời, đúng phương pháp để tránh dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
4.5. Tả
Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng cấp tính ở ruột non do vi khuẩn tả (vi khuẩn gram âm – Vibrio cholerae) gây ra. V. cholerae tiết ra một độc tố gây tiêu chảy nhiều nước, dẫn đến mất nước, thiểu niệu và suy tuần hoàn. Sự lây nhiễm thường qua nước bị ô nhiễm hoặc động vật có vỏ.
Việc chẩn đoán bệnh tả bằng nuôi cấy hoặc huyết thanh học. Điều trị là bổ sung nước và điện giải kết hợp với kháng sinh.
4.6. Viêm gan vi rút
Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng của viêm gan vi rút. Có 5 loại vi rút viêm gan, trong đó vi rút viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Vi rút viêm gan D chỉ lây truyền khi có mặt vi rút viêm gan B và có đường lây truyền tương tự như vi rút viêm gan B. Vi rút viêm gan A và E lây truyền qua đường phân – miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. Trong các loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B (HBV) và vi rút viêm gan C (HCV) thường gây bệnh mạn tính và có các biến chứng xơ gan, ung thư gan gây tử vong cao.
4.7. Viêm màng não mủ
Viêm màng não mủ là một bệnh lý nguy hiểm thường gây ra bởi 3 loại vi khuẩn phổ biến nhất là H. influenza (Haemophilus influenza); phế cầu (Streptococcus pneumonia); não mô cầu (Neisseria meningitidis). Bệnh thường diễn biến nhanh, biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị căn bệnh này cũng không đơn giản, nếu không điều trị tốt, người bệnh phải đối mặt với nhiều di chứng lâu dài và nặng nề.
4.8. Viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm để lại di chứng nặng nề và vĩnh viễn, gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ tiêm vắc xin từ sớm ngay từ 9 tháng tuổi. Ngoài ra, giữ môi trường sống thông thoáng, diệt lăng quăng và muỗi cũng giúp ngừa bệnh hiệu quả”
4.9. Sởi
Sởi là bệnh nhiễm trùng do vi rút sởi (Measles) gây ra, dễ lây lan từ người này sang người khác, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.
Triệu chứng của bệnh là sốt, phát ban và có khả năng truyền nhiễm. Bệnh rất dễ lây lan qua không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi… Biểu hiện của bệnh sởi khá đa dạng, mức độ tùy từng trường hợp.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị sởi đặc hiệu riêng. Bệnh có thể tự khỏi theo thời gian, kết hợp với các biện pháp dùng thuốc, nghỉ ngơi, ăn uống hỗ trợ điều trị. Tiêm vaccine phòng sởi ngay từ đầu là biện pháp ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
4.10. Thương hàn
Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, ho, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhẹ hoặc không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập cơ thể, trung bình từ 8 – 14 ngày.
5. Phòng chống bệnh truyền nhiễm
Các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể thâm nhập vào cơ thể thông qua: Da, hít phải vi trùng trong không khí; ăn thức ăn bị ô nhiễm hoặc nước; bị côn trùng cắn hoặc bị muỗi đốt; quan hệ tình dục không an toàn.
Do vậy, để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, mọi người nên thực hiện theo các phương pháp sau để giảm nguy cơ lây nhiễm cho bản thân hoặc người khác:
- Thường xuyên rửa tay: Trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh cần rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
- Tiêm vắc-xin đầy đủ: Tiêm vắc xin đầy đủ có thể giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh.
- Không đi làm, không đến trường, không đến các nơi đông người nếu đang có các hiện tượng như nôn mửa, tiêu chảyhoặc sốt.
- Ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm an toàn và nguồn nước sạch.
- Vệ sinh cơ thể, nơi ở, học tập và làm việc thường xuyên. Không dùng chung vật dụng cá nhân (bàn chải đánh răng, lược, lưỡi dao cạo…). Tránh dùng chung ly uống hoặc đồ dùng ăn uống.
- Quan hệ tình dục an toànbằng cách sử dụng bao cao su.
- Không du lịch đến nơi có vùng dịch.
- Kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.953.559
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com