Bệnh không lây nhiễm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh không lây nhiễm là các bệnh không lây từ người sang người (còn được gọi là bệnh mạn tính). Bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm.
Nội dung
1. Khái niệm về bệnh
Bệnh là những bất thường xảy ra trong cơ thể làm ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển bình thường của sinh vật.
Với khái niệm này thì tất cả những gì bất thường trong cơ thể đều gọi là bệnh và tất cả những gì gây nên sự bất thường đối với cơ thể sống đều là nguyên nhân gây bệnh.
Có 06 nhóm nguyên nhân chính gây nên sự bất thường trong cơ thể người:
1. Di truyền, nguyên nhân di truyền chủ yếu do cơ thể bố hoặc mẹ bị bệnh trước hoặc trong khi mang thai, nguyên nhân di truyền hiếm gặp.
2. Hóa chất, nguyên nhân này xảy ra bởi một hoặc cả hai trường hợp: Thiếu chất dinh dưỡng hoặc nhiễm nhiều chất độc.
3. Nhiễm các vi sinh vật có hại như vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng…
4. Sự tác động bất lợi của các yếu tố vật lý: bức xạ, tia UV, thiên tai…
5. Do áp lực của tâm trạng xã hội.
6. Do tác động của các hiện tượng siêu nhiên: bão từ, sóng vũ trụ…
2. Cơ sở xếp loại bệnh
Có nhiều cách để xếp loại về bệnh khác nhau tuỳ theo phạm vi áp dụng.
– Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có bảng xếp loại bệnh tật quốc tế ICD. Hiện đã đến thế hệ ICD 11, có hiệu lực áp dụng trên thế giới từ năm 2022. Bảng xếp loại này chủ yếu sử dụng cho việc mã hoá bệnh tật dùng trong ngành Y tế.
– Ở khía cạnh khác, bệnh có thể được xếp loại theo nguyên nhân, sinh bệnh học (cơ chế gây bệnh) hoặc theo triệu chứng.
– Ngoài ra, các bệnh có thể được phân loại theo hệ thống cơ quan liên quan, mặc dù điều này thường phức tạp vì nhiều bệnh ảnh hưởng đến nhiều hơn một cơ quan.
– Có một cơ sở khác để xếp loại bệnh đó là dựa trên tình trạng bệnh có khả năng lây nhiễm hay không, dựa trên cơ sở này, bệnh có thể xếp thành hai nhóm: Bệnh không lây nhiễm và bệnh lây nhiễm.
3. Bệnh không lây nhiễm là gì
3.1. Khái niệm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa bệnh không lây nhiễm: “Là các bệnh không lây, còn được gọi là bệnh mạn tính, không lây từ người sang người. Bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm”.
Bệnh không lây nhiễm bao gồm rất nhiều bệnh, nhưng đáng chú ý nhất là 04 nhóm bệnh chính như sau:
1) Bệnh tim mạch (như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và đột quỵ);
2) Ung thư;
3) Bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản);
4) Đái tháo đường.
Các bệnh tiếp theo có thể kể đến là các bệnh lý về thần kinh, tâm thần và các bệnh lý khớp mạn tính.
3.2. Đặc điểm bệnh không lây nhiễm
– Bệnh gây ra bởi nhiều nguyên nhân (phức hợp);
– Có nhiều yếu tố nguy cơ;
– Không có nguồn gốc nhiễm trùng;
– Khởi phát từ từ, tiến trình bệnh kéo dài;
– Điều trị dai dẳng, và
– Để lại hậu quả lâu dài cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
3.3. Bệnh không lây nhiễm trên thế giới
Ngày 21/9/2022, trong báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh không lây nhiễm (NCDs) như các bệnh về tim mạch, ung thư và tiểu đường gây ra 74% số ca tử vong trên toàn cầu.
Theo báo cáo, NCDs là những bệnh có thể ngăn chặn được và thường xuất hiện do lối sống thiếu lành mạnh hoặc điều kiện sống không đảm bảo. Những bệnh này là nguyên nhân làm cho 41 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm, trong đó có 17 triệu người dưới 70 tuổi. Các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và hô hấp hiện là những bệnh gây chết người hàng đầu thế giới, vượt qua cả những bệnh truyền nhiễm.
Những dữ liệu mới trong báo cáo của WHO đã góp phần làm rõ nét hơn về thực trạng, chỉ ra vấn đề nằm ở chỗ thế giới chưa quan tâm đầy đủ tới những bệnh này. Theo báo cáo, khoảng 86% các ca chết yểu vì các bệnh trong nhóm NCDs xảy ra ở các nước thu nhập trung bình thấp và thấp. Điều này chỉ ra rằng đây không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề bình đẳng, nhiều người ở các nước nghèo hơn không có cơ hội tiếp cận những phương thức phòng ngừa, điều trị và chăm sóc cần thiết.
Cũng theo báo cáo, nếu chỉ coi các bệnh NCDs là bệnh do lối sống thì vẫn chưa đủ vì rất nhiều yếu tố nguy cơ vượt xa khả năng kiểm soát của con người, trong đó phải kể đến như môi trường sinh sống có thể giới hạn các lựa chọn và quyết định của con người, khiến họ khó hoặc không thể lựa chọn những giải pháp lành mạnh.
Thói quen hút thuốc lá, chế độ ăn không lành mạnh, lạm dụng đồ uống có cồn, ít vận động và ô nhiễm không khí được coi là những nguyên nhân chính dẫn đến số ca mắc các bệnh NCDs tăng cao. Riêng hút thuốc lá đã là nguyên nhân dẫn tới hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm trong khi việc ăn uống kém lành mạnh như ăn quá ít, quá nhiều hoặc thức ăn quá kém chất lượng cũng dẫn tới số ca tử vong tương đương.
Trong báo cáo, WHO khẳng định có những cách rõ ràng và có kiểm chứng để giảm các yếu tố nguy cơ mà nếu tất cả các quốc gia đều triển khai thì có thể cứu được 39 triệu người trong vòng 7 năm tới. WHO kêu gọi các nước áp dụng các biện pháp can thiệp đã được chứng minh là có hiệu quả để đạt mục tiêu trên.
3.4. Bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam
Bệnh không lây nhiễm đã trở thành một vấn đề cấp bách khi tỷ lệ mắc các bệnh này tăng mạnh ở Việt Nam trong vài năm vừa qua. Từ năm 2015 đến năm 2021, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở người trưởng thành ở Việt Nam đã tăng từ khoảng 1 trong 5 người lên hơn 1 trong 4 người; tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cũng tăng từ 1 trong 24 người lên 1 trong 14 người.
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa để quản lý hiệu quả các ca bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh đã trở nặng. Một cách để đối phó với thách thức này là chủ động khám phát hiện tại cộng đồng để điều trị sớm.
Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 10 người chết có gần 8 trường hợp do bệnh không lây nhiễm.
4. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc các bệnh không lây nhiễm
Khái niệm yếu tố nguy cơ các bệnh không lây nhiễm nghĩa là các yếu tố (về thói quen sinh hoạt, lối sống, các tác nhân vật lý hay hóa học…) khi xuất hiện sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh không lây nhiễm hay tử vong do bệnh.
Các bệnh không lây nhiễm phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ, đó là:
- Hút thuốc lá (hoặc thuốc lào).
- Thiếu vận động thể lực.
- Lạm dụng rượu, bia.
- Chế độ ăn không hợp lý.
Đặc biệt tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng báo động ở bệnh nhân trẻ. Do sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngày nay chúng ta bắt gặp không ít các thanh niên “ngủ ngày cày đêm”, gây nên sự đảo lộn của sinh hoạt; kèm theo đó là sự bất hợp lý trong ăn uống với sự gia tăng của các nhà hàng ăn nhanh, đồ ăn ngọt, nhiều mỡ, thức uống có ga, có cồn… Tỷ lệ béo phì, cận thị trong giới trẻ cũng đang gióng lên những hồi chuông đáng báo động. Điều này lý giải sự tăng vọt và trẻ hóa của các bệnh lý không lây nhiễm.
5. Nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm
Bệnh không lây nhiễm có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy thuộc vào từng loại bệnh. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ chung cho nhiều loại bệnh không lây nhiễm, bao gồm:
- Lối sống không lành mạnh: Như hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều chất béo, đường, muối, ít ăn rau quả và ít vận động. Các thói quen này có thể gây ra béo phì, cao huyết áp, cholesterol cao và đường máu cao, là những yếu tố nguy cơ cho bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường.
- Ô nhiễm môi trường: Như không khí, nước, đất hoặc tiếng ồn. Môi trường ô nhiễm có thể gây ra các bệnh về hô hấp, da, mắt, tai…
- Dị ứng: Dị ứng với phấn hoa, bụi, thức ăn hoặc thuốc. Dị ứng có thể gây ra các triệu chứng như ngứa, sưng, nổi mề đay, ho, khó thở hay sốc phản vệ. Dị ứng là một yếu tố nguy cơ cho hen phế quản và bệnh hô hấp mạn tính.
- Di truyền: Các đột biến gen, bệnh di truyền hoặc tiền sử gia đình. Di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh của một người, nhất là khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác. Một số bệnh không lây nhiễm có liên quan đến di truyền là bệnh tim bẩm sinh, ung thư di truyền, đái tháo đường type 1 và bệnh Parkinson.
- Tuổi tác: Là một yếu tố không thể tránh khỏi, khiến cơ thể bị lão hóa và giảm chức năng. Tuổi tác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý không lây nhiễm, nhất là sau 60 tuổi. Một số bệnh không lây nhiễm có liên quan đến tuổi tác là bệnh tim mạch, ung thư, bệnh Alzheimer và bệnh thoái hóa khớp.
6. Triệu chứng bệnh không lây nhiễm
Triệu chứng của bệnh không lây nhiễm cũng có thể khác nhau, tùy thuộc vào từng loại bệnh. Tuy nhiên, có một số triệu chứng chung cho nhiều loại bệnh không lây nhiễm, bao gồm:
- Đau: Có thể là đau ngực, đau đầu, đau khớp, đau bụng hoặc đau nơi bị ung thư. Đau có thể là dấu hiệu của sự rối loạn, viêm hoặc tổn thương của các cơ quan trong cơ thể.
- Mệt mỏi: Có thể do thiếu máu, suy giảm chức năng cơ quan hoặc mất cân bằng nội tiết. Mệt mỏi có thể làm giảm năng lượng, khả năng tập trung và hiệu suất làm việc của người bệnh.
- Sốt: Do nhiễm trùng, viêm hoặc phản ứng miễn dịch. Sốt có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, gây ra cảm giác khó chịu, ớn lạnh hoặc mồ hôi.
- Hen suyễn: có thể là do bệnh hô hấp, tim mạch hoặc dị ứng. Suyễn có thể gây ra khó thở, ngạt hoặc ngưng thở.
- Tăng huyết áp: Do bệnh tim mạch, thận hoặc nội tiết. Tăng huyết áp có thể gây ra đau đầu, chóng mặt hoặc xuất huyết.
- Tăng đường máu: Do đái tháo đường, tuyến giáp hoặc tăng huyết áp. Tăng đường máu có thể gây ra khát, đói, tiểu nhiều hoặc mất cảm giác.
7. Phòng bệnh không lây nhiễm
Bệnh không lây nhiễm có thể gây ra nhiều biến chứng và tử vong, nhưng cũng có thể được phòng ngừa và kiểm soát bằng các biện pháp sau:
- Thay đổi lối sống: Bỏ hút thuốc, giảm uống rượu, ăn uống cân bằng, tăng cường ăn rau quả, giảm ăn chất béo, đường, muối và tập thể dục thường xuyên. Các biện pháp này có thể giúp giảm béo phì, giảm bị cao huyết áp, giảm cholesterol và giảm đường máu, là những yếu tố nguy cơ cho bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường.
- Tránh ô nhiễm môi trường: Sử dụng khẩu trang, lọc không khí, uống nước sôi, rửa tay sạch và giảm tiếp xúc với tiếng ồn. Các biện pháp này có thể giúp bảo vệ đường hô hấp, da, mắt, tai và não bộ khỏi các tác nhân gây hại.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định: Tuân thủ liều lượng, thời gian và cách dùng của bác sĩ. Các biện pháp này có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Kiểm tra sức khoẻ định kỳ: Đo huyết áp, đường máu, cholesterol, cận lâm sàng và siêu âm. Các biện pháp này có thể giúp phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và điều trị kịp thời.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.953.559
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com