BỆNH UNG THƯ ÂM ĐẠO
Ung thư âm đạo là bệnh lý ác tính hiếm gặp ở phụ nữ. Phần lớn các ca bệnh đều có sự hiện diện của virus HPV. Ung thư âm đạo chỉ chiếm 1-2% trong các ca ung thư phụ khoa.
Nội dung
1. Khái niệm về bệnh ung thư âm đạo
Ung thư âm đạo là một bệnh lý ác tính xảy ra trong âm đạo (đây là phần ống cơ nối tử cung với bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ). Bệnh xảy ra khi các tế bào trong âm đạo tăng sinh nằm ngoài khả năng kiểm soát của cơ thể. Mặc dù một số loại ung thư có thể di căn đến âm đạo từ những cơ quan khác của cơ thể nhưng ung thư bắt đầu từ âm đạo (ung thư âm đạo nguyên phát) thường là rất hiếm.
Đây là một loại ung thư hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng chiếm 1-2% trong tất cả các bệnh ung thư phụ khoa. Theo một nghiên cứu của Mỹ năm 2022, ước tính có khoảng 8.870 ca mắc mới và 1.630 ca tử vong do ung thư âm đạo và các bộ phận sinh dục nữ khác ở Hoa Kỳ. Một nghiên cứu khác trong năm 2022 cho thấy tỷ lệ mắc ung thư âm đạo đã giảm trong những năm gần đây.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Các nhà khoa học vẫn đang đi tìm nguyên nhân trực tiếp gây ung thư âm đạo. Tuy nhiên, cùng với ung thư cổ tử cung, phần lớn bệnh nhân mắc ung thư âm đạo có thể do nhiễm vi rút u nhú dai dẳng ở người (HPV). Ung thư bắt đầu khi các tế bào khỏe mạnh có sự đột biến di truyền làm cho tế bào bình thường trở thành các tế bào bất thường. Các tế bào bất thường này nhân lên với tốc độ nhanh, vượt tầm kiểm soát và không chết đi. Những tế bào bất thường tích lũy tạo thành một khối u. Các tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô xung quanh và có thể vỡ ra từ một khối u ban đầu để lan rộng tới các bộ phận khác trong cơ thể (di căn).
Có khoảng 80% các trường hợp nhiễm HPV chỉ là thoáng qua, không có triệu chứng rõ rệt và cơ thể sẽ tự đào thải vi rút. Ung thư âm đạo cũng vậy, ở giai đoạn sớm có thể không có bất kỳ triệu chứng nào đáng kể nên rất khó để nhận biết. Triệu chứng phổ biến nhất là chảy máu bất thường ở âm đạo. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện rõ rệt hơn. Do đó, chị em phụ nữ cần thăm khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh để tình trạng phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối.
Ung thư âm đạo tuy là một trong những loại ung thư hiếm gặp nhưng lại làm ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản nữ. Bệnh có thể di căn đến các khu vực xa của cơ thể như phổi, gan, não, dạ dày và xương. Độ tuổi trung bình khi được chẩn đoán ung thư âm đạo là 67 tuổi.
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như sau:
- Yếu tố nội tiết: bệnh thường gặp ở phụ nữ chậm kinh và sớm mãn kinh.
- Người hút thuốc lá.
- Người suy giảm miễn dịch.
- Đột biến gen: đột biến gen PRAD1 và gen p53 có liên quan đến mắc ung thư âm hộ, âm đạo.
- Người mắc một số bệnh không lây nhiễm: tiểu đường, tăng huyết áp.
- Nhiễm HPV.
3. Triệu chứng của bệnh
Giai đoạn mới mắc ung thư âm đạo, người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ biểu hiện và triệu chứng nào. Ở giai đoạn muộn hơn, ung thư âm đạo có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng rõ rệt như:
- Chảy máu âm đạo sau giao hợp (không phải máu kinh nguyệt);
- Đau khi giao hợp;
- Âm đạo chảy máu sau thời mãn kinh;
- Âm đạo chảy dịch, nước, máu hoặc có mùi khó chịu;
- Xuất hiện một khối đáng chú ý trong âm đạo;
- Đi tiểu đau hoặc thường xuyên cảm thấy muốn đi tiểu;
- Thường táo bón hoặc phân có màu đen;
- Luôn cảm thấy muốn đi ngoài khi ruột trống rỗng;
- Đau vùng chậu.
Những người bị ung thư âm đạo thường có một hoặc nhiều triệu chứng này. Tuy nhiên, cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nhận thấy những dấu hiệu này.
4. Chẩn đoán bệnh
Việc chẩn đoán ung thư âm đạo không phải lúc nào cũng dễ dàng vì các triệu chứng không rõ ràng. Một số phương pháp chẩn đoán thường được dùng như:
- Khám tổng quan sức khỏe và tiền sử bệnh;
- Kiểm tra vùng chậu;
- Xét nghiệm Pap;
- Xét nghiệm HPV;
- Soi cổ tử cung;
- Sinh thiết vị trí nghi ngờ khối u.
Ung thư âm đạo được chia thành 4 loại khác nhau dựa trên loại tế bào nơi ung thư bắt đầu. Có thể chia ung thư âm đạo thành 4 loại, bao gồm:
4.1. Ung thư biểu mô tế bào vảy
Ung thư biểu mô tế bào vảy bắt đầu từ các tế bào lót âm đạo (còn được gọi là tế bào vảy). Đây là loại ung thư âm đạo phổ biến nhất, nó chiếm khoảng 85% các trường hợp.
4.2. Ung thư tuyến âm đạo
Ung thư tuyến âm đạo bắt đầu trong các tế bào tuyến trên bề mặt âm đạo (tế bào sản xuất chất nhầy của âm đạo) và chiếm từ 5% đến 10% ung thư âm đạo.
4.3. Khối u ác tính
Khối u ác tính phát triển trong các tế bào sản xuất sắc tố của vùng âm đạo. Đây được xem là một dạng ung thư âm đạo hiếm gặp.
4.4. Sarcoma âm đạo
Sarcoma âm đạo một dạng ung thư âm đạo hiếm gặp bắt đầu trong mô liên kết và mô cơ tạo nên thành âm đạo. Sarcoma âm đạo có nhiều loại khác nhau. Rhabdomyosarcoma là phổ biến nhất và chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Leiomyosarcoma xảy ra thường xuyên nhất ở những người trên 50 tuổi.
5. Điều trị bệnh ung thư âm đạo
Chiến lược điều trị tốt nhất đối với mỗi bệnh nhân được đưa ra dựa trên các yếu tố:
– Loại ung thư và giai đoạn bệnh;
– Vị trí khối u nguyên phát;
– Khả năng chữa khỏi bệnh hoặc điều trị triệu chứng của từng phương pháp;
– Tuổi;
– Thể trạng chung của bệnh nhân, các bệnh mắc kèm;
– Đáp ứng của bệnh nhân với điều trị và các tác dụng không mong muốn của điều trị.
5.1. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị chính cho hầu hết bệnh nhân. Phương pháp này sử dụng các chùm tia năng lượng cao để diệt tế bào ung thư. Xạ ngoài là phương pháp đưa chùm tia xạ hướng tới âm đạo và/hoặc hạch vùng từ một máy xạ ở ngoài cơ thể.
Chùm tia xạ cũng có thể được chiếu bằng cách đặt một ống chiếu xạ vào trong âm đạo. Phương pháp này được gọi là xạ trị chiếu trong hoặc xạ áp sát. Trong rất nhiều trường hợp, cả hai phương pháp trên được phối hợp sử dụng. Trong một số trường hợp, xạ trị được chỉ định phối hợp cùng hoá trị để giúp giảm kích thước khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật. Phương pháp này được gọi là hoá xạ trị đồng thời.
Các tác dụng phụ thường gặp của xạ trị bao gồm:
– Thay đổi màu sắc da trên diện xạ trị;
– Cảm thấy rất mệt mỏi;
– Đại tiện lỏng;
– Để lại sẹo trên âm đạo, đau hoặc khô âm đạo;
Hầu hết các tác dụng không mong muốn sẽ giảm dần theo thời gian, một số có thể kéo dài hơn.
5.2. Phẫu thuật
Phẫu thuật có để được sử dụng để điều trị ung thư âm đạo. Bệnh nhân có thể hỏi bác sỹ về loại phẫu thuật cần thực hiện. Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, tuỳ theo vị trí và kích thước khối u. Một số phẫu thuật có thể làm thay đổi sinh hoạt cá nhân của người bệnh.
Mỗi phương pháp phẫu thuật có ưu nhược điểm riêng. Các bác sỹ sẽ giải thích cho người bệnh về những thay đổi về đại tiểu tiện hoặc quan hệ tình dục nếu có. Bất cứ phương pháp phẫu thuật nào cũng đều có thể có rủi ro và tác dụng không mong muốn. Nếu có vấn đề gì xảy ra, hãy thông báo cho các bác sỹ ngay lập tức.
5.3. Hoá trị
Hoá trị là phương pháp sử dụng hoá chất để điều trị ung thư. Hoá chất được đưa vào cơ thể qua đường truyền tĩnh mạch, qua đó có tác dụng trên toàn cơ thể. Hoá trị không phải là phương pháp điều trị ung thư âm đạo phổ biến, nhưng có thể được chỉ định trong các trường hợp ung thư âm đạo lan tràn. Hoá trị cũng có thể được chỉ định phối hợp cùng xạ trị để giảm kích thước và mức độ xâm lấn của khối u trước phẫu thuật.
Điều trị hoá chất có thể làm người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi, đau bụng, rụng tóc. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này sẽ giảm dần theo thời gian. Có nhiều phương pháp khác nhau để làm giảm các tác dụng không mong muốn. Nếu các tác dụng phụ kể trên xuất hiện, hãy thông báo ngay cho đội ngũ nhân viên y tế để xử trí.
5.4. Các phương pháp điều trị khác
Người bệnh có thể nghe nói tới các phương pháp điều trị ung thư hoặc điều trị triệu chứng khác. Các phương pháp này thường là không chính thống, bao gồm vitamin, thảo dược, các chế độ ăn kiêng. Một số phương pháp kể trên được cho là có tác dụng, tuy nhiên cũng có nhiều phương pháp chưa chứng minh được hiệu quả điều trị. Một số thậm chí có thể gây hại. Người bệnh cần trao đổi với các bác sỹ trước khi sử dụng bất cứ phương pháp nào.
6. Phòng bệnh
6.1. Tiêm vắc xin để phòng ngừa HPV
Tiêm ngừa vắc xin là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa HPV, cần được ưu tiên hàng đầu do đơn giản, thuận tiện, an toàn và hiệu quả bảo vệ lâu dài. Gardasil và Gardasil 9 là 2 loại vắc xin duy nhất trên thế giới hiện nay có thể phòng ngừa được các bệnh ung thư do Human Papillomavirus (HPV) gây ra như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, ung thư âm hộ/âm đạo, u nhú sinh dục…
Đặc biệt, năm 2022, thế giới chứng kiến cơn sốt khi vắc xin Gardasil 9 (Mỹ) thế hệ mới nhất của hãng MSD được chỉ định sử dụng cho cả nam – nữ, cộng đồng người đồng tính LGBT, cộng đồng đồng tính nam MSM hiệu quả lên đến trên 94%.
6.2. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Đối với nhóm đối tượng tượng trưởng thành ở cả nam – nữ, việc kiểm tra sức khỏe tổng quát, khám phụ khoa định kỳ là rất cần thiết bởi bộ phận sinh dục là cơ quan dễ viêm nhiễm nhất.
Sau khi bước qua tuổi 21, các chị em nên làm các xét nghiệm sàng lọc, tầm soát ung thư định kỳ 1 – 3 năm/ lần tùy theo loại để kịp thời kiểm soát các dấu hiệu bất thường gây ung thư âm đạo và kịp thời điều trị.
6.3. Sinh hoạt tình dục lành mạnh
Sinh hoạt tình dục lành mạnh và an toàn ở cả nam và nữ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần ngăn ngừa HPV nói chung và HPV type 18, 52 gây ung thư âm đạo nói riêng. Quan hệ chung thủy một vợ một chồng là rất cần thiết, sử dụng biện pháp an toàn nếu trường hợp chưa hiểu biết rõ về bạn tình.
Theo nghiên cứu, bao cao su có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HPV nhưng không phải là hoàn toàn, đó là lý do vì sao các chuyên gia khuyến khích nên sử dụng bao cao su ngay cả khi quan hệ thường xuyên bằng miệng và hậu môn.
6.4. Bỏ ngay các thói quen xấu
Vùng kín luôn là khu vực rất nhạy cảm, có thể trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, phát triển. Nếu không vệ sinh và chăm sóc bộ phận này đúng cách, nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa là không thể tránh khỏi, lâu dần có thể biến chứng thành ung thư phụ khoa như ung thư tử cung, ung thư âm đạo…
Do vậy, việc chăm sóc vùng kín là cách tốt nhất để phòng tránh các bệnh phụ khoa. Để làm được điều này, chị em nên chú ý bỏ ngay một số thói quen gây hại vùng kín như: ngồi lâu một chỗ, thói quen nhịn tiểu, lười thay băng vệ sinh, mặc quần lót chật, sử dụng dung dịch vệ sinh không đúng cách,…
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.953.559
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com