BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP
Viêm khớp dạng thấp là một dạng bệnh tự miễn, bắt đầu tổn thương từ màng hoạt dịch của khớp, dẫn đến tổn thương xương và lâu dần sẽ biến dạng khớp. Người bệnh có nguy cơ tàn phế nếu không được điều trị kịp thời.
Nội dung
1. Khái niệm về viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một dạng bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính, do tổn thương xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, phổ biến nhiều ở phụ nữ so với nam giới. Các triệu chứng về lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh tương đối điển hình.
Bình thường, hệ miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn của cơ thể bằng việc chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh bên ngoài như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và nấm và một số tác nhân bên trong như độc tố, tự kháng nguyên. Trong một số trường hợp, khi hoạt động của hệ miễn dịch gặp trục trặc và sẽ tấn công các mô lành trong cơ thể. Trong viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch tấn công màng hoạt dịch và dẫn đến hậu quả là gây viêm bao hoạt dịch, khiến cho các khớp trở nên sưng, nóng, đỏ và đau. Người bệnh có nguy cơ tàn phế do tổn thương khớp và tổn thương nhiều cơ quan khác, chẳng hạn như mắt, tim, phổi, da, mạch máu…
Bệnh viêm khớp dạng thấp thường gây ảnh hưởng đến các khớp đối xứng trong cơ thể, chẳng hạn như cả hai tay, hai cổ tay hoặc hai đầu gối. Đây là đặc điểm nổ bật để phân biệt bệnh lý viêm khớp dạng thấp với các bệnh lý viêm khớp khác. Nếu tình trạng viêm xuất hiện ở nhiều khớp (thông thường từ 4 – 5 khớp) thì được gọi là viêm đa khớp dạng thấp.
2. Nguyên nhân và các giai đoạn của viêm khớp dạng thấp
2.1. Nguyên nhân
Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể thay vì bảo vệ lại quay sang tấn công màng hoạt dịch trong khớp. Đây là lớp màng bao quanh khớp. Kết quả là tình trạng viêm sẽ làm dày bao hoạt dịch, cuối cùng phá hủy sụn và xương trong khớp. Các gân và dây chằng giữ khớp với nhau cũng yếu đi và căng ra. Dần dần, khớp mất đi hình dạng ban đầu và suy giảm sự liên kết với các bộ phận khác của cơ thể.
Cho đến nay, khoa học y học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng viêm khớp dạng thấp, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng bệnh xảy ra do yếu tố di truyền. Tuy gen không trực tiếp gây bệnh, nhưng gen dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, như nhiễm một số loại vi rút hay vi khuẩn, dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp.
2.2. Các giai đoạn viêm khớp dạng thấp
- Giai đoạn 1
Ở giai đoạn một, người bệnh có cảm giác đau khớp, cứng khớp hoặc sưng đỏ vùng khớp bị viêm. Bên cạnh đó là tình trạng viêm bên trong khớp, khiến các mô trong khớp sưng lên. Tuy chưa có tổn thương xương nhưng lúc này, màng hoạt dịch của khớp đã bị tổn thương.
- Giai đoạn 2
Ở giai đoạn này, màng hoạt dịch bị viêm và tổn thương nặng hơn, có thể gây tổn thương sụn khớp. Sụn chính là mô bao phủ phần cuối của xương tại vị trí khớp. Khi sụn khớp bị tổn thương, người bệnh sẽ xuất hiện các cơn đau, đồng thời có thể xuất hiện hạn chế vận động.
- Giai đoạn 3
Ở giai đoạn này, tình trạng bệnh viêm khớp dạng thấp đã trở nên nghiêm trọng. Tại thời điểm này, tổn thương không chỉ lan đến sụn mà ảnh hưởng cả xương. Khi lớp sụn giữa các xương bị mòn, xương cọ xát với nhau, khiến người bệnh bị đau và sưng nhiều hơn. Một số người bị yếu cơ và mất khả năng vận động. Đó là do xương bị tổn thương, thậm chí biến dạng.
- Giai đoạn 4
Ở giai đoạn cuối, các khớp đã ngừng hẳn hoạt động, khiến bệnh nhân đau, sưng, cứng khớp và mất khả năng vận động. Nghiêm trọng hơn, các khớp có thể bị hỏng và gây ra hiện tượng dính khớp.
3. Triệu chứng
Các triệu chứng thường gặp nhất của viêm khớp dạng thấp bao gồm:
– Khớp trở nên ấm nóng, sưng đau;
– Hiện tượng cứng khớp thường xuất hiện nhiều hơn vào buổi sáng và khi không hoạt động;
– Mệt mỏi, sốt, chán ăn;
Bệnh viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn sớm có xu hướng ảnh hưởng đến những khớp nhỏ trước, đặc biệt là các khớp liên kết ngón tay với bàn tay, ngón chân với bàn chân.
Khi bệnh tiến triển, các biểu hiện sẽ lan xuống cổ tay, đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, hông và vai. Trong phần lớn các trường hợp, những triệu chứng này xảy ra ở các khớp đối xứng nhau hai bên cơ thể.
Khoảng 40% người bị mắc bệnh tự miễn viêm khớp dạng thấp cũng gặp phải các dấu hiệu, biến dạng và triệu chứng không liên quan đến khớp. Cụ thể, bệnh sẽ ảnh hưởng đến: da, mắt, tim, phổi, thận, mô thần kinh, tuyến nước bọt, tủy xương, mạch máu.

4. Biến chứng
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ gặp tình trạng:
– Loãng xương: Bản thân bệnh lý nguy hiểm này, cùng với một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh, có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, tình trạng suy yếu xương và khiến xương trở nên giòn, dễ gãy.
– Hình thành những khối mô cứng xung quanh các khu vực khớp chịu áp lực lớn, chẳng hạn như khuỷu tay. Không chỉ vậy, những nốt này còn có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, kể cả phổi.
– Khô mắt và miệng: Bệnh nhân có nhiều khả năng mắc hội chứng Sjogren, rối loạn làm giảm độ ẩm trong mắt và miệng.
– Nhiễm trùng: Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp và nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
– Thành phần cơ thể bất thường: Tỷ lệ mỡ so với cơ thường cao hơn ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, ngay cả khi người đó có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường.
– Hội chứng ống cổ tay: Nếu tình trạng viêm tác động lên cổ tay có thể chèn ép dây thần kinh ở bàn tay và ngón tay gây ra hội chứng ống cổ tay.
– Bệnh tim mạch: Bệnh làm tăng nguy cơ bị xơ cứng và tắc nghẽn các động mạch cũng như viêm túi bao quanh tim.
– Bệnh phổi: Những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ bị viêm và sẹo mô phổi, tiến triển đến khó thở.
– Ung thư hạch: Người bệnh viêm khớp dạng thấp có khả năng cao bị ung thư hạch, một loại ung thư máu và cơ quan tạo máu phát triển trong hệ thống bạch huyết.
5. Chẩn đoán
Để chẩn đoán xác định viêm khớp dạng thấp, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cơ, xương, khớp tổng quát. Cụ thể: vùng khớp đau nhức, các khớp bị đau có đối xứng nhau không, có xuất hiện bướu và nốt dưới da không, có hiện tượng cứng khớp (đặc biệt là cứng khớp vào buổi sáng) không…
Tiếp theo, bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm:
– Xét nghiệm máu: nhằm xác định số lượng hồng cầu. Những người bị bệnh viêm khớp dạng thấp có thể có số lượng tế bào hồng cầu thấp;
– Xét nghiệm Protein C phản ứng;
– Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA): dương tính;
– Xét nghiệm kháng thể citrulline theo chu kỳ (anti-CCP);
– Tốc độ lắng của tế bào máu: Máu đông lại nhanh ở đáy ống nghiệm là dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp;
– Xét nghiệm yếu tố gây viêm khớp.
6. Điều trị
Đối với việc điều trị bệnh, hiện vẫn chưa có phương pháp để chữa viêm khớp dạng thấp khỏi hoàn toàn. Các phương pháp được áp dụng trong điều trị nhằm mục tiêu cải thiện triệu chứng, hạn chế tổn thương xương, khớp, tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Đồng thời, khi người bệnh được điều trị tích cực ngay từ sớm có thể giúp kiểm soát và hạn chế biến chứng của bệnh, duy trì tốt hơn chức năng khớp và giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng là:
6.1. Điều trị nội khoa
Dựa trên mức độ của các triệu chứng, các giai đoạn của bệnh, tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp sử dụng thuốc để điều trị. Trong đó, có các loại thuốc thường được chỉ định như: thuốc chống viêm không Steroid (như Naproxen, Ibuprofen,…), thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh, thuốc Corticosteroid, thuốc sinh học.
6.2. Điều trị ngoại khoa
Phương pháp phẫu thuật để điều trị viêm khớp dạng thấp có thể được bác sĩ xem xét đến khi bệnh nhân điều trị với thuốc không đem lại hiệu quả hoặc tình trạng bệnh quá nặng. Trong đó, có các phẫu thuật là: sửa chữa gân, phẫu thuật nội soi loại bỏ lớp lót bị viêm của khớp, thay thế toàn bộ khớp,… Thông qua phương pháp này, sẽ giúp sửa chữa các tổn thương khớp, khôi phục lại chức năng của khớp, giảm tình trạng đau.
6.3. Điều trị hỗ trợ
Bên cạnh đó, các biện pháp điều trị hỗ trợ như tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng xương khớp; tập vận động để tránh co rút gân, teo cơ hoặc dính khớp; hoặc sử dụng những dụng cụ hỗ trợ đi lại cũng có thể được áp dụng cho từng bệnh nhân tuỳ thuộc mức độ tổn thương.
7. Phòng bệnh
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể được phòng và kiểm soát nhờ những biện pháp sau:
7.1. Bỏ thuốc lá
Theo các nghiên cứu y học, việc hút thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Cụ thể, những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tăng 1,3 – 2,4 lần. Không chỉ vậy, hút thuốc còn khiến các triệu chứng của bệnh tiến triển nhanh hơn.
7.2. Duy trì cân nặng hợp lý
Những người thừa cân có khả năng tiến triển viêm khớp dạng thấp cao hơn. Vì thế để phòng bệnh, cần giữ cân nặng ổn định bằng cách:
-Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây trong thực đơn. Ưu tiên protein từ cá, gà thay vì ăn nhiều thịt đỏ. Tránh thức ăn nhiều đường, muối và chất béo không tốt.
– Tập thể dục đều đặn: Kết hợp các bài tập sức mạnh (tennis, cầu lông…) với những bài tập nhẹ nhàng (đi bộ, bơi lội, đạp xe…). Tập luyện sức mạnh làm giảm đáng kể sự mất xương, một biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp, đồng thời giúp giảm đau và cứng khớp. Cần lưu ý tránh các bài tập có tác động mạnh trong giai đoạn bùng phát (những cơn đau khớp trở nên dữ dội) để hạn chế bệnh tiến triển trầm trọng hơn.
7.3. Hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm môi trường
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, tiếp xúc với một số chất ô nhiễm môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Vì thế, hãy tránh xa amiăng và silica. Nếu môi trường làm việc bắt buộc tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm này, hãy mặc đồ bảo hộ phù hợp.
7.4. Khám và điều trị kịp thời
Khi có bất kỳ triệu chứng nào của viêm khớp dạng thấp, cần đi khám càng sớm càng tốt. Theo các chuyên gia, việc điều trị sớm và tích cực sẽ giúp trì hoãn các biến chứng của bệnh, cũng như giảm nguy cơ phát triển những tổn thương khớp nghiêm trọng sau này.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.953.559
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com