Chiều cao và sức khỏe
Chiều cao và cân nặng là 2 thông số sức khoẻ của con người. Ngoài yếu tố sức khoẻ, chiều cao còn là một đặc điểm ngoại hình quan trọng, đánh dấu sự khác biệt của mỗi người, mỗi dân tộc và mỗi chủng tộc.

1. Khái niệm về chiều cao
Chiều cao người được tính từ lòng bàn chân đến đỉnh đầu khi đứng thẳng. Chiều cao người được đo bằng thước, thường được tính bằng đơn vị xentimét với hệ thống mét, và feet hoặc inch.
Chiều cao loài người rất khác nhau từ 40cm đến 272cm. Trung bình, đàn ông cao hơn phụ nữ, với mức chênh lệch khoảng 12-14cm. Người châu Âu thường cao hơn người châu Á.
Theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, chiều cao trung bình của người Việt Nam là 168,1cm với nam và 156,2cm với nữ. Đây là chiều cao thuộc nhóm quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới.
Trong quan niệm thẩm mỹ ở Việt Nam, khi chiều cao từ 180cm với nam và 170cm với nữ sẽ được coi là cao. Dưới 165cm ở nam và 155cm ở nữ sẽ được coi là thấp. Khoảng nằm ở giữa còn lại sẽ là mức trung bình.
2. Các giai đoạn phát triển chiều cao
Trẻ em (đến 16 tuổi) sẽ có các mốc phát triển chiều cao như sau:
– Giai đoạn trong bào thai là tiền đề cho sự phát triển chiều cao của trẻ sau khi chào đời và ở tương lai. Khi thai được 4 tháng sẽ bắt đầu hình thành hệ xương và phát triển nhanh chóng chiều cao thai nhi.
– Giai đoạn trẻ vừa chào đời đến 3 tuổi là khoảng thời gian tăng trưởng nhanh nhất. Mỗi năm, tùy vào chế độ chăm sóc, trẻ có thể cao thêm 25cm.
– Giai đoạn từ 3 – 13 tuổi là thời điểm chiều cao tăng trưởng ở mức ổn định. Chiều cao trung bình của trẻ tăng thêm mỗi năm là từ 5 – 6cm.
– Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì đây chính là một trong những thời điểm vàng phát triển chiều cao của trẻ. Nếu được chăm sóc tốt, trẻ có thể tăng từ 8 – 12 cm mỗi năm. – Giai đoạn cuối cùng trong thời kỳ phát triển chiều cao của trẻ là sau dậy thì. Khi trẻ đến giai đoạn này thì chiều cao tăng rất chậm, không đáng kể, thường chiều cao sẽ ổn định vào năm 25 tuổi.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao
Trong quá trình sống, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ, các yêu tố chính phải kể đến như:
3.1. Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, di truyền chỉ ảnh hưởng khoảng 23% chiều cao của trẻ.
3.2. Chế độ dinh dưỡng
Nhiều nghiên cứu y học đã chỉ ra rằng, chế độ dinh dưỡng hàng ngày ảnh hưởng 32% chiều cao của trẻ. Do đó, đây cũng là một yếu tố quan trọng, cần chú ý trong cải thiện chiều cao của trẻ.
3.3. Chế độ vận động
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, vận động khoa học, đúng lứa tuổi cũng là một trong những cách giúp trẻ trở nên cao lớn hơn. Yếu tố này ảnh hưởng khoảng 20% chiều cao của trẻ.
3.4. Các yếu tố khác
Bên cạnh các yếu tố được kể trên, chiều cao của trẻ còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. Một số yếu tố phổ biến như: môi trường sống; chế độ sinh hoạt hàng ngày; thời gian ngủ nghỉ của trẻ; dinh dưỡng của mẹ trong thai kỳ,…

4. Quá trình tăng trưởng chiều cao
Việc phát triển chiều cao (tăng trưởng) được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đây là kết quả của việc kéo dài xương thông qua hormone tăng trưởng là somatotropin. Somatotropin được tiết ra bởi các tuyến thuỳ trước tuyến yên. Somatotropin cũng kích thích việc tăng trưởng thêm hormone Insulin – như yếu tố tăng trưởng 1 (IGF-1) chủ yếu ở gan. Cả hai hormone hoạt động ở hầu hết các mô của cơ thể, có nhiều chức năng khác và tiếp tục được tiết ra trong suốt cuộc đời, thường với mức cao hơn trong giai đoạn dậy thì và dần dần ổn định sau khi trưởng thành. Phần lớn hoạt động tiết ra hormone này xảy ra trong các giai đoạn bùng nổ (đặc biệt là với trẻ vị thành niên) và xảy ra mạnh nhất khi ngủ.
Chiều cao tăng nhanh khi có sự tăng trưởng của sụn ở đầu của các xương dài, dần dần hóa thành xương để tạo thành xương cứng. Chi dưới (chân) chiếm khoảng một nửa chiều cao của người trưởng thành. Phần lớn sự tăng chiều cao là trong thời kỳ tăng trưởng của các xương dài. Ngoài ra, sự thay đổi về chiều cao giữa các quần thể và qua thời gian phần lớn là do sự thay đổi trong chiều dài chân. Thông thường, nam giới sẽ ngừng phát triển chiều cao ở độ tuổi từ 18 – 25. Trong khi ở nữ giới, con số này là sớm hơn từ 15 – 22 tuổi. Tuy nhiên, việc chiều cao còn phát triển hay không phụ thuộc vào quá trình cốt hóa của xương đã diễn ra hoàn toàn hay chưa. Để có thể tăng trưởng chiều cao thì bên cạnh yếu tố di truyền thì các yếu tố như dinh dưỡng, vận động và giấc ngủ cũng đóng vai trò quyết định, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì.
5. Các giải pháp cải thiện chiều cao
Để cải thiện chiều cao của trẻ, cần thực hiện một số việc sau:
5.1. Cân bằng chế độ dinh dưỡng
Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất thiết yếu có hàm lượng dưỡng chất hoàn hảo với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Đối với trẻ đã bắt đầu ăn dặm vào trẻ lớn hơn, trẻ cần được bổ sung đủ 4 nhóm dưỡng chất chính: chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin và khoáng chất. Trong đó, bố mẹ cần đặc biệt chú ý bổ sung nhiều đạm, canxi và vitamin để để trẻ tăng chiều cao.
5.2. Khuyến khích trẻ ăn các thực phẩm giúp tăng chiều cao
Để phát triển chiều cao một cách tối ưu, bố mẹ nên khuyến khích ăn nhiều thực phẩm chứa các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng chiều cao. Một số thực phẩm giúp tăng chiều cao nên được bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ gồm: thịt, trứng, sữa và các sản phẩm được làm từ sữa, các loại đậu, hải sản, tôm, cua, cá, phô mai, các loại rau và trái cây nhiều vitamin A, D,…
Bên cạnh đó, trẻ nên hạn chế ăn các loại thực phẩm không lành mạnh, thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, nhiều đường hay quá nhiều chất béo.
5.3. Ngủ đủ giấc mỗi ngày
Nghiên cứu cho thấy khi trẻ ngủ sâu, não bộ sẽ tiết ra một lượng lớn hormone tăng trưởng GH giúp trẻ phát triển chiều cao và cân nặng. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ ngủ sâu và ngủ đủ giấc. Khoảng thời gian não bộ tiết nhiều hormone GH nhất là từ 23:00 đến 01:00 sáng hôm sau.
Thời gian giấc ngủ của trẻ cần bảo đảm như sau:
- Trẻ sơ sinh : 18 – 20 giờ/ngày.
- Trẻ 2 – 4 tháng tuổi : 16 – 18 giờ/ngày.
- Trẻ 5 -12 tháng tuổi : 14 – 15 giờ/ngày.
- Trẻ 1 – 3 tuổi : 12 – 14 giờ/ngày.
- Trẻ 4 – 6 tuổi : 10 – 12 giờ/ngày.
- Trẻ 7 – 12 tuổi : 10 – 11 giờ/ngày.
– Trẻ 13 – 18 tuổi : 08 – 09 giờ/ngày.
5.4. Xây dựng lối sống lành mạnh
Hiện nay, nhiều gia đình cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá sớm (điện thoại, máy tính, tivi…). Điều này vô tình tạo nên thói quen xấu cho trẻ, khiến trẻ ngồi hàng giờ trước màn hình tivi, điện thoại, máy tính. Từ đó, trẻ ít vận động, chậm phát triển chiều cao và tăng nguy cơ mắc bệnh.
Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng đang trong giai đoạn phát triển về cả tư duy, thể chất và tinh thần. Do đó, thay vì chỉ tìm hiểu thế giới xung quanh qua màn hình, bố mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tiếp xúc thực tế nhiều hơn như đi du lịch, dã ngoại, tham quan, leo núi,… Bên cạnh đó, bố mẹ nên tạo cho trẻ môi trường sống lành mạnh, thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc, ít căng thẳng, áp lực.
5.5. Cho trẻ vận động thường xuyên
Vận động không chỉ cơ thể khỏe mạnh, hoạt động linh hoạt mà còn kích thích cơ thể sản sinh hormone tăng trưởng GH giúp xương phát triển dài ra. Một số bộ môn thể thao có tác dụng hỗ trợ tăng chiều cao hiệu quả trẻ nên tham gia như: bơi lội, chạy bộ, đi xe đạp, bóng chuyền, bóng rổ,… Tuy nhiên, trẻ chỉ nên vận động ở mức độ vừa phải, tránh tình trạng quá sức.
5.6. Tập luyện các bài tập tăng chiều cao
Để hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ, bố mẹ có thể tập cho trẻ các bài tập tăng chiều cao theo hướng dẫn của bác sĩ hay chuyên gia y tế. Các bài tập này bao gồm kéo giãn cơ thể với xà đơn, nhảy dây, bơi lội,…
Bên cạnh đó, bố mẹ nên điều chỉnh, hướng dẫn trẻ ngồi, đi, đứng đúng tư thế. Việc sai tư thế có thể tác động xấu đến xương khớp của trẻ, gây nên tình trạng cong vẹo cột sống, gù lưng,…
5.7. Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên dồi dào, giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của xương. Do đó, trẻ nên tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
5.8. Tầm soát sức khỏe xương khớp định kỳ
Các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là tầm soát sức khỏe xương khớp cho trẻ. Điều này giúp kiểm tra và theo dõi sự phát triển của xương, đồng thời phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe khác, từ đó có phương pháp điều trị hỗ trợ sớm.
6. Lưu ý khi tăng chiều cao cho trẻ em
Có chiều cao lý tưởng, sở hữu tầm vóc đẹp luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng hiểu đúng về chiều cao và cách tăng chiều cao phù hợp cho trẻ. Một số lưu ý bố mẹ cần biết khi giúp trẻ tăng chiều cao gồm:
– Canxi là một trong những thành phần chính cấu tạo nên xương nhưng việc chỉ tập trung bổ sung canxi cho trẻ không đem lại hiệu quả tăng chiều cao mà còn tăng nguy cơ sỏi thận, sỏi niệu quản.
– Trẻ nên được ăn uống cân bằng, đủ chất, đủ lượng.
– Việc bổ sung canxi cần đi đôi với bổ sung vitamin D và vitamin K2 để canxi được cơ thể hấp thụ tối ưu.
– Sự phát triển chiều cao của trẻ là một quá trình dài, không phải nhất thời hay chỉ trong giai đoạn dậy thì.
– Bố mẹ cần chú ý chăm sóc và hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ.
– Khi sử dụng các thực phẩm bổ sung để giúp cải thiện chiều cao của trẻ, bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.213.968
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com