Chăm sóc sức khoẻ chủ động
Có một sức khỏe tốt là mong muốn của tất cả chúng ta. Sức khỏe là điều cốt lõi để có một cuộc sống hạnh phúc. Do đó, chăm sóc sức khỏe chủ động là kỹ năng cần thiết của mỗi người.
Nội dung
1. Sức khoẻ và các yếu tố liên quan
1.1. Sức khoẻ là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới: “Sức khoẻ là trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế” .
Hoàn toàn thoải mái về mặt thể chất là: Hoạt động thể lực, hình dáng, ăn, ngủ, tình dục,… tất cả các hoạt động sống trên đều ở trạng thái tốt nhất phù hợp với từng lứa tuổi. Hoàn toàn thoải mái về mặt tinh thần là: Bình an trong tâm hồn, biết cách chấp nhận và đương đầu với những căng thẳng trong cuộc sống. Hoàn toàn thoải mái về mặt xã hội là: Nghề nghiệp với thu nhập đủ sống, an sinh xã hội được đảm bảo. Không có bệnh tật hay tàn phế là: Không có bệnh về thể chất, bệnh tâm thần, bệnh liên quan đến xã hội và sự an toàn về mặt xã hội.
Năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Y tế Thế giới và quyết định lấy ngày 7 tháng 4 hàng năm, từ năm 1950 trở đi là ngày “Sức khoẻ thế giới” với mong muốn mọi tổ chức, cá nhân trên toàn cầu chủ động quan tâm đến sức khoẻ bản thân và cộng đồng.
Có thể nói, sức khỏe là khoản đầu tư sinh lời cao và là trách nhiệm lớn nhất của mỗi con người. Về sức khoẻ bản thân, chúng ta nói hay nhưng thường làm dở nên phải gánh bệnh tật cả đời. Tại sao chúng ta lại tiếc công sức, thời gian và tiền của để phòng bệnh, để rồi sau đó phải hối hận vì phải chi một đống tiền với hi vọng chữa khỏi bệnh? Như vậy, chìa khoá vàng của việc chăm sóc và nâng cao sức khoẻ chính là chủ động: Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới đã nghiên cứu, thống kê và chia ra 3 cấp độ về sức khoẻ: (1) Khoẻ mạnh; (2) Trung bình – Yếu và (3) Bệnh tật. Trong đó chỉ 5% là khoẻ mạnh thực sự, 80% nằm ở mức trung bình – yếu, còn lại là bệnh tật. Trong số 80% trung bình – yếu thì luôn cận kề với các nguy cơ, mầm mống của bệnh, tật và dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh hiện đại như: Bệnh không lây nhiễm; các dịch bệnh như: SARS 2003, cúm lợn H1N1 2009, MERS 2012 và Covid-19…
1.2. Các yếu tố liên quan đến sức khoẻ
Có 5 yếu tố chính liên quan đến sức khoẻ là: Yếu tố về di truyền; Môi trường; Dinh dưỡng; Hệ thống chăm sóc sức khỏe; và Hành vi, lối sống của mỗi người.
Sức khỏe chịu tác động tổng hợp bởi các yếu tố thiên nhiên (vật lý, hóa học…), sinh học và kinh tế, xã hội… Sự thay đổi của môi trường sinh thái, đặc biệt là môi trường xã hội, gây ra những tác động xấu đến tâm lý, tình cảm của con người và là nguyên nhân gây ra bệnh lý. Những yếu tố có tính quyết định đến sức khỏe con người bao gồm:
– Các yếu tố về di truyền: Các yếu tố sinh học quyết định cấu trúc và các hoạt động chức năng của cơ thể. Sự biến đổi bất thường trong cấu trúc của những đoạn gen nào đó có thể gây ra những bệnh tật tương ứng. Hiện nay, y học đã có thể sử dụng bản đồ gen làm công cụ chẩn đoán một số bệnh như: thiếu máu do hồng cầu hình liềm, bệnh xơ nang tụy, bệnh đái tháo đường (những bệnh có thể gây hậu quả xấu cho thế hệ sau)… Phần lớn các yếu tố gen thường không thể thay đổi được và đến nay, y học mới chỉ có thể can thiệp được ở mức hạn chế.
– Yếu tố môi trường: Yếu tố môi trường đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định tình trạng sức khỏe của bất cứ một cộng đồng nào. Hiểu theo nghĩa rộng, môi trường bao gồm: Môi trường xã hội, tổ chức xã hội, các nguồn lực;… Môi trường tự nhiên như: nhiệt độ, ánh sáng, không khí, đất nước, thiên tai, thảm họa. Môi trường sống, làm việc: tình trạng khó khăn về nhà ở, nơi làm việc, trong gia đình và cộng đồng dễ dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đường sá xuống cấp; lụt lội, bão, động đất, các thiên tai khác có thể gây tử vong hoặc thương tích cho con người.
– Yếu tố dinh dưỡng: Dinh dưỡng hợp lý, khoa học là nền tảng tốt nhất cho sức khoẻ, tầm vóc và trí tuệ. Chế độ ăn dinh dưỡng và khoa học là ăn đủ chất, đủ lượng và phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của mỗi cá thể. Rất nhiều các bệnh, tật của con người xuất phát từ việc ăn thiếu chất hoặc ăn thừa chất, uống không đủ nước, uống nhiều các loại có hại với cơ thể như rượu, bia…, sử dụng các chất kích thích, hút thuốc lá, …
– Hệ thống chăm sóc sức khỏe: Chất lượng điều trị và chăm sóc, tình trạng thuốc men; khả năng tiếp cận với các dịch vụ của người dân (chi phí, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, thời gian chờ đợi…); thái độ và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế có đáp ứng được yêu cầu không; tính chất của hệ thống chăm sóc sức khỏe (chăm sóc sức khỏe đặc biệt chuyên sâu, y tế nhà nước hay y tế tư nhân). Tình trạng sức khỏe cá nhân và cộng đồng tốt hay xấu phụ thuộc nhiều bởi tình trạng xấu hay tốt của những yếu tố trên thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe.
– Hành vi và lối sống của con người: Hành vi của con người có liên quan đến việc tạo ra, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, hoặc liên quan đến một vấn đề sức khỏe nhất định, như: hành vi tập thể dục, hành vi về dinh dưỡng, về vệ sinh môi trường… Hành vi sức khỏe cá nhân là trọng tâm của quá trình giáo dục và nghiên cứu sức khỏe. Hành vi và lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thức ăn không an toàn được xem là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, tử vong và các vấn đề sức khỏe khác…
2. Chăm sức sức khoẻ chủ động là gì?
Chăm sóc sức khỏe chủ động là ý thức và hành vi của mỗi người trong việc chủ động phòng ngừa bệnh tật trước khi nó xảy ra bằng cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ, luyện tập hợp lý, khám sức khỏe định kỳ,… thay vì chỉ tập trung vào việc điều trị khi mắc bệnh.
3. Các lợi ích của việc chăm sóc sức khoẻ chủ động
3.1. Tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ ốm vặt và mắc bệnh
Khi bạn áp dụng các nguyên tắc ăn uống khoa học, duy trì một lối sống khoa học, có chế độ tập luyện phù hợp, chú trong đến sức khỏe tinh thần, khám sức khỏe định kỳ để kịp thời điều chỉnh cách chăm sóc sức khỏe… sức khỏe tổng thể của bạn sẽ được nâng cao rõ rệt. Khi sức khỏe và sức đề kháng tăng lên, nguy cơ ốm hay mắc bệnh đều sẽ giảm đáng kể.
3.2. Cải thiện chất lượng cuộc sống
Một người khỏe mạnh, vui vẻ sẽ có nhiều cơ hội để làm những việc mình thích, đến những nơi mình muốn và tận hưởng những niềm vui của riêng mình. Họ có thể tự khiến mình hạnh phúc, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người, dễ dàng vượt qua thử thách trong cuộc sống.
Người biết chăm sóc sức khỏe chủ động sẽ không trở thành gánh nặng cho những người xung quanh, có thể giúp ích cho xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình.
3.3. Giảm chi phí cho y tế, củng cố kinh tế gia đình
Chăm sóc sức khỏe chủ động giúp nâng cao sức khỏe nên cũng giúp mỗi cá nhân và gia đình giảm đáng kể chi phí khám, chữa và điều trị bệnh. Điều này góp phần củng cố tài chính cá nhân, kinh tế gia đình và không trở thành gánh nặng cho quỹ Bảo hiểm y tế Nhà nước.
3.4. Tăng cơ hội điều trị và phục hồi sau bị bệnh
Khi chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe, chúng ta không thể phòng ngừa bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát hiện sớm các nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn để điều chỉnh cách chăm sóc sức khỏe sao cho phù hợp nhất. Qua thăm khám sức khỏe định kỳ, chúng ta cũng dễ dàng phát hiện các bệnh lý từ giai đoạn sớm. Điều này giúp tăng cơ hội điều trị và phục hồi sau khi mắc bệnh đồng thời giúp giảm thời gian, chi phí trong điều trị bệnh.
4. Các tác hại nếu không chủ động chăm sóc sức khoẻ
4.1. Tăng tỷ lệ mắc bệnh cấp tính, mạn tính thậm chí bệnh ác tính
Ví dụ nếu không trang bị kiến thức đúng sẽ không biết cách chăm sóc sức khoẻ; nếu không vệ sinh sẽ bị bệnh viêm nhiễm; nếu ăn uống không đủ chất sẽ bị bệnh tim mạch, tiểu đường, tiêu hoá; nếu không vận động sẽ bị thoái hoá, bệnh xương khớp, ung thư…, nếu không khám sức khoẻ định kỳ sẽ phát hiện bệnh muộn, gây khó khăn cho điều trị, tăng thời gian điều trị.
4.2. Tăng chi phí điều trị bệnh
Khi bị bệnh sẽ làm tăng chi phí điều trị cho mỗi cá nhân, gia đình; giảm năng xuất và lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nước. Mặc dù tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế của Việt Nam đã trên 93% nhưng đừng ỷ lại vào việc có bảo hiểm y tế mà coi nhẹ việc phòng bệnh bởi vì khi mắc bệnh ác tính thì dù có bảo hiểm y tế cũng không cứu được tính mạng. Mặt khác, nếu không phải sử dụng đến thẻ bảo hiểm y tế để chữa bệnh, nghĩa là mình khoẻ mạnh mà dành chi phí đó cho người không may mắn thì cũng là một nghĩa cử cao đẹp với cộng đồng.
4.3. Gây quá tải bệnh viện
Khi số người bệnh tăng lên sẽ gây quá tải cho hệ thống điều trị, tăng gánh nặng chi trả cho hệ thống bảo hiểm y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống an sinh xã hội của quốc gia.
5. Cách thức chăm sóc sức khoẻ chủ động
Phòng bệnh luôn luôn là gốc của sức khoẻ. Khi phòng bệnh chủ động (chăm sóc sức khoẻ chủ động) tức là ta đã chăm lo cho phần gốc của sức khoẻ. Cơ thể con người có thể tự bảo vệ sức khoẻ và bù trừ đến 31%, do đó cơ thể chính là “bác sĩ” chữa bệnh hoàn hảo nhất. Khả năng bù trừ cao nhất vào khoảng 35-40 tuổi và giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên đối với một cơ thể sống quá “nghèo nàn” về dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất thì cơ thể đó sẽ không bao giờ có đủ sức đề kháng để chống lại dịch bệnh. Để phòng bệnh chủ động cần thực hiện một số biện pháp như sau:
– Trang bị kiến thức: Cần trang bị những kiến thức cơ bản về y tế, sức khoẻ. Điều này không chỉ mang lại các hiểu biết quan trọng mà còn giúp bạn tự tin trong việc chăm sóc và cải thiện sức khoẻ của bản thân, gia đình.
– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Chế độ ăn uống hàng ngày cần được xây dựng hợp lý và khoa học dựa trên từng lứa tuổi và tình trạng sức khoẻ của mỗi cá thể. Đặc biệt lưu ý vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn quá nhiều muối, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, bổ sung các vitamin và khoáng chất thông qua các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chính hãng.
– Uống đủ nước để giúp cho việc tăng cường chuyển hoá và thải độc. Lượng nước đủ cho cơ thể là 400ml/10 kg cân nặng trong 24 giờ.
– Vận động khoa học, thường xuyên: Mỗi người mỗi ngày hãy dành ít nhất 30 phút để tập luyện và vận động thích hợp với các bài tập vừa sức để đạt hiệu quả tốt nhất trong việc tăng cường và bảo vệ sức khoẻ.
– Chăm sóc sức khoẻ tinh thần bằng việc sống bình yên, tích cực, suy nghĩ lành mạnh, …
– Kiểm tra sức khoẻ định kỳ: Theo các thống kê khoa học, 40% bệnh ung thư có thể dự phòng, 30% có thể kéo dài sự sống có chất lượng và 30% có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng. Do vậy hãy thực hiện việc khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm, theo dõi và ngăn ngừa các biến chứng có hại cho sức khoẻ.
Chăm sóc sức khoẻ chủ động chính là chăm lo phần gốc của sức khoẻ. Không bao giờ muộn hay sớm trong việc chăm sóc sức khoẻ. Hãy chủ động chăm sóc sức khoẻ ngay hôm nay và mỗi người hãy là một thầy thuốc tốt nhất của chính mình.
Chăm sóc sức khỏe chủ động là khoản đầu tư “vô giá” cho tương lai, làm cho mọi người có cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, góp phần giúp đất nước ngày càng phát triển.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.953.559
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com