BỆNH UNG THƯ TUYẾN TUỴ
Ung thư tuyến tụy là ung thư hình thành tại một số tế bào của tuyến tụy. Phần lớn các bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy (khoảng 95%) bắt đầu từ tuyến tụy ngoại tiết. Các khối u cũng có thể hình thành tại tuyến tụy nội tiết, nhưng đây là những trường hợp không phổ biến và thường lành tính.
1. Khái niệm về bệnh ung thư tuyến tuỵ
Tuyến tuỵ (tuỵ) là một cơ quan của hệ tiêu hoá, có nhiệm vụ tạo ra các men tiêu hóa và hormone như insulin, glucagon để điều hoà đường huyết. Tụy nằm ở vị trí cao của ổ bụng, gần các động mạch và tĩnh mạch chính. Tụy có ba phần: đầu, thân và đuôi tụy. Các men tiêu hóa sản xuất trong tụy đi từ tụy đến tá tràng (phần đầu tiên của ruột non) thông qua một ống gọi là ống tụy. Các hormone do tuỵ sản xuất tiết thẳng vào máu để thực hiện chức năng. Phần của tuyến tụy sản xuất hormone được gọi là tụy nội tiết, và phần sản xuất men tiêu hóa được gọi là tụy ngoại tiết.
Có một số loại ung thư tuyến tụy. Loại phổ biến nhất, ung thư biểu mô tuyến, chiếm khoảng 85% các trường hợp, và thuật ngữ “ung thư tuyến tụy” đôi khi được dùng chỉ để đề cập đến loại đó. Ung thư biểu mô tuyến bắt đầu trong phần của tuyến tụy sản xuất các men tiêu hóa.
Một số loại ung thư khác, mà chúng chiếm đa số các loại ung thư không biểu mô, cũng có thể phát sinh từ các tế bào này. Cứ mỗi một trăm trường hợp ung thư tuyến tụy thì có một đến hai trường hợp là khối u thần kinh nội tiết, phát sinh từ các tế bào sản xuất hormone của tuyến tụy. Các khối u này thường ít xâm lấn hơn ung thư biểu mô tuyến tụy. Ung thư tuyến tụy là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa nguy hiểm và gây tử vong nhanh chóng.

Ung thư tuyến tụy là một loại ung thư hình thành tại một số tế bào của tuyến tụy. Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy (khoảng 95%) bắt đầu trong tuyến tụy ngoại tiết. Các khối u cũng có thể hình thành trong tuyến tụy nội tiết, nhưng đây là những trường hợp không phổ biến và thường lành tính.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra sự tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào ung thư tuyến tụy vẫn chưa được giải mã. Theo các nhà nghiên cứu, một số yếu tố có liên quan tới việc hình thành khối u ác tính tại tuyến tụy bao gồm:
Yếu tố di truyền: trong gia đình bệnh nhân có bố mẹ hoặc anh chị em ruột cùng bị ung thư tụy, hay bản thân người bệnh bị mắc hội chứng Lynch II (ung thư đại tràng không polyp có tính chất gia đình), mắc ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú do đột biến gen,… đều có nguy cơ bị ung thư tụy;
– Đã hoặc đang mắc phải bệnh lý mạn tính ở tụy: viêm tụy mạn, tiểu đường, xơ nang tụy,… Trong đó bệnh tiểu đường vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của ung thư tụy;
– Thừa cân, béo phì;
– Tuổi tác: những người trên 50 tuổi có tỷ lệ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn so với người trẻ tuổi;
– Lối sống không lành mạnh: hút thuốc lá, nghiện rượu, ăn uống không khoa học, ít tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt không điều độ…
– Nhóm máu: Theo một nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, những người thuộc nhóm máu A và B có nguy cơ mắc ung thư tụy cao hơn.

3. Triệu chứng của bệnh
Ung thư tuyến tụy là căn bệnh thầm lặng bởi bệnh tấn công và phát triển rất lặng lẽ, đa phần người bệnh không phát hiện sớm bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường thì bệnh đã tới giai đoạn muộn.
Ở giai đoạn này, người bệnh có thể sẽ gặp các triệu chứng như:
– Đau vùng bụng dưới và vùng lưng dưới;
– Vàng mắt và vàng da;
– Ngứa lòng bàn tay, bàn chân;
– Thường xuyên buồn nôn và nôn;
– Túi mật phình to;
– Phân lỏng, có mùi khó chịu;
– Thay đổi màu sắc nước tiểu, thường vàng đậm;
– Sụt giảm cân đột ngột;
– Suy nhược cơ thể, mệt mỏi, trầm cảm.
Ung thư tuyến tụy hiếm khi xảy ra trước tuổi 40 và hơn một nửa số ca ung thư biểu mô tuyến tụy xảy ra ở những người trên 70 tuổi. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến tụy bao gồm hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường, và một số bệnh về gen hiếm gặp. Khoảng 25% số ca mắc bệnh liên quan đến hút thuốc, và 5–10% liên quan đến gen di truyền. Ung thư tuyến tụy thường được chẩn đoán bằng kết hợp hình ảnh y khoa chẳng hạn như siêu âm hoặc chụp cắp lớp vi tính, xét nghiệm máu và kiểm tra mẫu mô bệnh phẩm. Bệnh được chia thành các giai đoạn, từ đầu (giai đoạn I) đến cuối (giai đoạn IV).
4. Chẩn đoán bệnh
Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tụy:
– Khám lâm sàng và hỏi tiền sử bệnh: Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư tuyến tụy, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác.
– Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư: CA 19-9, CYFRA 21-1.
– Siêu âm bụng: Giúp quan sát hình ảnh, kích thước và vị trí khối u tuyến tụy.
– Chụp CT/MRI: Có thể phát hiện khối u tuyến tụy, vị trí, tình trạng di căn của bệnh sang các vị trí khác trong cơ thể.
5. Điều trị bệnh
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi và giai đoạn bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp. Người bệnh có thể được chỉ định:
– Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần ung thư xâm lấn, giữ lại các phần và bộ phận không bị khối u tấn công.
– Hóa trị: Đây là phương pháp sử dụng các loại thuốc điều trị ung thư nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
– Xạ trị: Là biện pháp sử dụng tia X và các tia năng lượng cao khác để tiêu diệt tế bào ung thư.
– Liệu pháp xâm lấn: Đây là phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư thần kinh nội tiết tuyến tụy đã di căn đến gan hoặc các cơ quan khác.
– Thuyên tắc: Đây là một kỹ thuật được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách ngăn chặn sự cung cấp máu cho khối u.
– Phẫu thuật lạnh: Phương pháp này làm đóng băng các tế bào ung thư và các mô xung quanh bằng một đầu dò được đưa vào các mô và chứa đầy nitơ lỏng hoặc carbon dioxide lỏng.
Ngoài ra, trong điều trị ung thư tuyến tụy, người bệnh có thể được chỉ định liệu pháp nội tiết, phương pháp điều trị nhắm đích, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp dinh dưỡng….
6. Phòng bệnh
Việc phòng ngừa ung thư tụy tuyệt đối là không thể, tuy nhiên có thể chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư tụy như sau:
– Không hút thuốc lá;
– Hạn chế thức uống có nồng độ cồn cao;
– Ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt…;
– Giảm lượng thịt đỏ, đường, thực phẩm chế biến sẵn;
– Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại như Amiang, thuốc trừ sâu, hóa dầu; cần mang đồ bảo hộ cẩn thận khi hoạt động trong môi trường hóa chất;
– Duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng cơ thể, thường xuyên tập luyện thể thao phù hợp với sức khỏe;
– Tầm soát ung thư tụy định kỳ nếu thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy (tiền căn gia đình, đột biến gen đã biết…)
– Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường trong cơ thể, ngay cả khi chưa có những triệu chứng bệnh. Đặc biệt, những người có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tuỵ lại càng phải chú ý hơn về vấn đề này.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.953.559
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com