Bệnh ung thư da
Ung thư da là sự phát triển bất thường, không kiểm soát của lớp tế bào biểu mô da che phủ mặt ngoài cơ thể. Việc chẩn đoán, điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm có tiên lượng sống sau 5 năm hơn 90%.

1. Khái niệm về bệnh ung thư da
Ung thư da là tình trạng các tế bào da phát triển ngoài tầm kiểm soát. Đây là căn bệnh phổ biến và có xu hướng thường xuyên hơn ở những người da trắng. Người da đen và da màu có tỷ lệ mắc phải ít hơn.
Tỷ lệ mắc ung thư da có liên quan chủ yếu đến việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc có tiền sử bị cháy nắng. Đây là các yếu tố, nguy cơ có thể thay đổi, điều quan trọng là mỗi cá nhân nên sớm nhận thức việc phòng ngừa để tránh mắc phải căn bệnh này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 2-3 triệu ca ung thư da nhưng không phải u hắc tố ác tính và 132.000 ca u hắc tố ác tính. WHO cũng cảnh báo, khi nồng độ ozone cạn kiệt, bầu khí quyển ngày càng mất đi chức năng lọc và bảo vệ, bức xạ tia cực tím từ mặt trời đến bề mặt Trái đất ngày càng nhiều, bệnh ung thư da sẽ càng tăng mạnh hơn. Các nhà nghiên cứu ước tính, khi nồng độ ozone giảm 10% sẽ có thêm khoảng 300.000 trường hợp ung thư da không hắc tố và 4.500 trường hợp ung thư da hắc tố.
2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư da
– Tiếp xúc với tia UV: Ánh nắng mặt trời chứa nhiều tia UVA và UVB. Chúng là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư da. Các nghiên cứu cho thấy, phơi nắng tích lũy là nguyên nhân gây ung thư biểu mô tế bào vảy. Ngược lại, phơi nắng gián đoạn dữ dội (ví dụ như cháy nắng, phơi nhiễm ở trẻ em) là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ung thư biểu mô tế bào đáy.
– Bức xạ ion hoá: Tia gama, phơi nhiễm phóng xạ…
– Dùng thuốc ức chế miễn dịch: Ung thư da có thể thứ phát sau khi bệnh nhân được ghép tạng, suy giảm miễn dịch, HIV, hoặc dùng corticoid kéo dài.
– Các bệnh viêm da mạn tính: Các bệnh như viêm mạn tính do sẹo, bỏng, loét mạn tính, viêm da…
– Phơi nhiễm asen (Thạch tín).
– Yếu tố gia đình: Nghiên cứu cho thấy những đối tượng có anh, chị, em bị ung thư da thì tỷ lệ mắc cao gấp 2- 3 lần người bình thường
– Hút thuốc: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy cao hơn 20% so với những người không hút thuốc.
– Bệnh bạch tạng: Người bị bạch tạng có nguy cơ mắc ung thư da rất cao do không có khả năng chống nắng.
– Nhiễm trùng HPV: Người nhiễm virus HPV có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy cao hơn người bình thường.

3. Triệu chứng của bệnh
Khi xuất hiện bất kỳ đốm mới hoặc thay đổi nào trên da tồn tại trong hai tuần trở lên, mọi người không nên chủ quan. Ung thư da thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm, mặc dù các triệu chứng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
3.1. Các triệu chứng ung thư da có thể bao gồm:
- Tổn thương mới trên da hoặc thay đổi kích thước, hình dạng hoặc màu sắc. Những thay đổi này có thể khác nhau rất nhiều nên không có cách nào để mô tả ung thư da trông như thế nào;
- Bị ngứa hoặc đau;
- Vết loét không lành mà chảy máu hoặc có vảy;
- Đỉnh da xuất hiện vết sưng sáng bóng màu đỏ hoặc màu da;
- Đốm đỏ sần sùi hoặc có vảy có thể sờ thấy trên da;
- Khối u có viền nổi lên và lớp vỏ trung tâm hoặc chảy máu;
- Da xuất hiện các nốt như mụn cóc;
- Da xuất hiện một vệt giống như vết sẹo không có đường viền rõ ràng.
Ngoài ra, các triệu chứng ung thư da có thể khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư da và vị trí trên da. Dưới đây là những mô tả chung về các triệu chứng khác nhau liên quan đến các loại ung thư da cụ thể:
3.2. Triệu chứng ung thư biểu mô tế bào đáy
Ung thư da thường xuất hiện trên mặt, cổ, cánh tay, chân, tai và bàn tay. Đây là những vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, cũng có thể xuất hiện ở các khu vực khác.
Các dấu hiệu của ung thư biểu mô tế bào đáy có thể bao gồm:
- Vết sưng như ngọc trai hoặc sáp trên da;
- Mảng phẳng, sần sùi hoặc giống sẹo trên da;
- Vết loét chảy máu, không lành hoàn toàn hoặc tái phát.
3.3. Triệu chứng ung thư biểu mô tế bào vảy
Loại ung thư da này cũng có xu hướng phát triển ở những vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Trong một số trường hợp, ung thư biểu mô tế bào vảy có thể ảnh hưởng đến những khu vực không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Điều này đặc biệt đúng đối với những người có tông màu da tối hơn.
Các dấu hiệu của ung thư biểu mô tế bào vảy có thể bao gồm:
- Một nốt sần cứng, đỏ;
- Tổn thương có vảy hoặc đường viền không đều;
- Tổn thương da đau hoặc ngứa.
3.4. Triệu chứng u hắc tố ác tính
U hắc tố ác tính có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể và có thể phát triển từ nốt ruồi. Ở những người có tông màu da sẫm màu hơn, u hắc tố ác tính có xu hướng xuất hiện ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
Dấu hiệu của u hắc tố ác tính thường bao gồm:
- Sự thay đổi diện mạo của nốt ruồi;
- Phát triển đốm nâu lớn, thường có các cạnh không đều;
- Tổn thương sẫm màu trên màng nhầy (mũi, miệng, âm đạo hoặc hậu môn) hoặc ngón tay và ngón chân.

4. Chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán ung thư da, các phương pháp thông thường nhất là thăm khám sức khỏe tổng thể, hỏi bệnh sử cá nhân và gia đình. Sau đó, bác sĩ có thể đánh giá các tổn thương bằng soi da, sinh thiết và đánh giá mô bệnh học.
Sinh thiết là lấy một lượng nhỏ mô để kiểm tra dưới kính hiển vi. Tổn thương da nghi ngờ được loại bỏ, thường là sau khi gây tê cục bộ được sử dụng để làm tê khu vực. Bác sĩ cũng thường loại bỏ một vùng mô khỏe mạnh xung quanh tổn thương.
Mẫu được lấy ra trong quá trình sinh thiết sau đó được phân tích để xác định xem đó có phải là ung thư da hay không. Sau đó, các bác sĩ sẽ đánh giá các tế bào, mô và cơ quan để chẩn đoán bệnh.
5. Điều trị bệnh
5.1. Phẫu thuật
Là việc loại bỏ vùng da ung thư và có thể hóa hoặc xạ trị sau đó để ngăn các tế bào ung thư phát triển. Có nhiều phương pháp phẫu thuật chẳng hạn như phẫu thuật lạnh bằng nitơ lỏng, phẫu thuật cắt bỏ da, phẫu thuật Mohs (loại phẫu thuật chuyên biệt cho ung thư da), nạo và điện cực.
5.2. Hóa trị liệu
Các hóa chất ngăn tế bào ung thư phát triển có thể được sử dụng qua đường uống, dùng tại chỗ hoặc tiêm tĩnh mạch. Hóa trị có thể gây ra các tác dụng phụ như rụng tóc, mệt mỏi, thay đổi nội tiết tố…
5.3. Liệu pháp quang động
Ánh sáng laser kết hợp với các loại thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư.
5.4. Xạ trị
Là việc sử dụng các chùm tia năng lượng cao để chiếu vào khối u nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.
5.5. Liệu pháp sinh học
Hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh được huấn luyện để chống lại các tế bào ung thư.
5.6. Liệu pháp miễn dịch
Hệ thống miễn dịch của người bệnh được kích thích bằng một loại thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư.
6. Phòng bệnh
Để giảm nguy cơ mắc phải ung thư da, cách tốt nhất là cần tránh để da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời và các nguồn bức xạ UV khác, như:
- Hạn chế tắm nắng;
- Hạn chế đi ra ngoài vào các giờ tia cực tím hoạt động cao, ở Việt Nam là từ 10-14 giờ;
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên cho toàn thân. Nên dùng trước khi ra ngoài ít nhất 10 phút và xoa nhắc lại mỗi 30 phút một lần nếu ở ngoài trời;
- Nên mặc áo chống nắng (loại chuyên dụng chống tia UV), đội nón rộng vành;
- Nên mặc đồ sáng màu thay vì tối màu khi ra ngoài trời nắng vì màu đen sẽ hấp thụ tia cực tím nhiều hơn;
- Đeo kính râm, loại chống tia cực tím 100% khi ra ngoài trời nắng;
- Thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm ít nhất một lần và 2 lần ở người có yếu tố nguy cơ;
Đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các tổn thương trên da không rõ nguyên nhân và kéo dài quá 2 tuần không khỏi.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.213.968
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com