Thận và huyết áp
Thận là một cơ quan của hệ bài tiết còn Huyết áp là một trong số các dấu hiệu sinh tồn của cơ thể. Trong thực tiễn lâm sàng, thận và huyết áp có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Bài viết sẽ mô tả mối liên quan đó.
1. Thận và vai trò của thận

Thận là một cơ quan quan trọng trong hệ bài tiết của cơ thể. Mỗi người có 2 quả thận, nằm phía sau khoang phúc mạc, ở 2 bên cột sống. Thận là tạng đặc có trọng lượng trung bình là 130 – 135 gram, kích thước trung bình là 12 x 6 x 3cm (1 quả thận). Thận có 4 chức năng chính bao gồm:
- Giữ cân bằng dịch trong cơ thể;
- Giữ cân bằng các chất khoáng cần thiết, đặc biệt nhất là kali;
- Loại bỏ các sản phẩm giáng hóa của protein như ure, creatinin…;
- Giải phóng một số hormone cần thiết vào máu như erythropoietine giúp tủy xương tạo hồng cầu, tiết renin giúp điều hòa huyết áp…
Renin là một loại enzyme giúp kiểm soát huyết áp. Nó được tạo ra bởi các tế bào đặc biệt của thận. Khi huyết áp xuống quá thấp hoặc cơ thể không có đủ muối, renin sẽ được tiết vào máu. Khi nồng độ renin trong máu tăng cao sẽ kích hoạt một phản ứng dây chuyền tạo ra một loại hormone gọi là angiotensin và đồng thời tuyến thượng thận sẽ giải phóng một loại hormone khác gọi là aldosterone. Angiotensin làm cho các mạch máu hẹp hơn, aldosterone làm cho thận giữ muối và chất lỏng. Cả hai điều đó sẽ làm cho huyết áp tăng lên. Nếu quá trình đó mất cân bằng, huyết áp sẽ bị tăng quá cao.
2. Huyết áp và tăng huyết áp
Huyết áp là một trong 5 dấu hiệu sinh tồn của cơ thể gồm: nhịp thở, nhiệt độ, mạch, huyết áp và độ bão hoà oxy máu (SpO2). Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành mạch và được tạo ra do sức co, giãn (đẩy, hút máu) của tim và sự co giãn của thành mạch. Có 2 trị số huyết áp là huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu. Căn cứ vào 2 trị số này để chẩn đoán thế nào là huyết áp bình thường và bất thường (tăng huyết áp, hạ huyết áp). Huyết áp bị chi phối bởi nhịp tim, cấu trúc mạch máu, các yếu tố gây co mạch, mức lọc của thận, thể tích tuần hoàn…
Khi đo huyết áp sẽ có hai trị số, ví dụ: 120/80 mmHg. Bình thường, huyết áp của người lớn là dưới 120/80 mmHg. Khi chỉ số huyết áp từ 120-139/80-89 mmHg được coi là “huyết áp bình thường – cao”. Nếu là người lớn và huyết áp là 140/90 mmHg hoặc cao hơn thì được coi là tăng huyết áp (THA). Khi huyết áp tâm thu ≤ 90mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≤ 60mmHg thì được coi là hạ huyết áp.
Tăng huyết áp được gọi là “Kẻ giết người thầm lặng” bởi vì đa số người bị thường không có triệu chứng, không có dấu hiệu cảnh báo trước hoặc những dấu hiệu thể hiện bệnh tăng huyết áp không có gì khác biệt so với người bình thường. Việc không biểu hiện triệu chứng làm cho bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc khi biến chứng đã âm thầm diễn ra có thể đe doạ tính mạng hoặc để lại gánh nặng tàn phế mà người bệnh vẫn không hay biết.
3. Mối liên quan giữa thận và tăng huyết áp
3.1. Tăng huyết áp ảnh hưởng đến chức năng của thận

Chức năng chính của thận là hoạt động như một hệ thống lọc giúp loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Hoạt động của thận và hệ tuần hoàn phụ thuộc vào nhau để hoàn thành tốt các nhiệm vụ và chức năng chính của nó trong cơ thể. Thận giúp lọc chất thải và các chất lỏng trong máu. Để làm được điều này, thận phải cần đến sự hỗ trợ rất lớn từ các mạch máu.
Khi các mạch máu này bị tổn thương, các cầu thận lọc máu sẽ không nhận đủ lượng oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động hiệu quả. Đây cũng chính là lý do tại sao huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận. Theo thời gian, huyết áp cao không được kiểm soát có thể khiến các động mạch quanh thận bị hẹp, yếu hoặc cứng lại, dẫn đến tình trạng không cung cấp đủ máu cho các mô thận. Một số tình trạng tổn thương ở thận do huyết áp cao gây ra, bao gồm:
– Sẹo thận (xơ hóa cầu thận): xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong thận bị sẹo, dẫn đến không thể lọc được chất lỏng và chất thải từ máu một cách hiệu quả. Viêm cầu thận có thể dẫn đến suy thận.
– Suy thận: Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận. Các mạch máu bị tổn thương làm cản trở chức năng lọc chất thải của thận, gây ra tình trạng tích tụ các chất lỏng. Bệnh nhân bị suy thận cần phải được lọc máu hoặc thực hiện ghép thận.
Trong một nghiên cứu tại Mỹ, tăng huyết áp là nguyên nhân thứ 2 gây suy thận sau bệnh tiểu đường. Mối quan hệ giữa tăng huyết áp và suy thận là vòng tuần hoàn: Tăng huyết áp không được kiểm soát là yếu tố nguy cơ phát triển bệnh thận, góp phần làm suy thận tiến triển nhanh hơn. Tình trạng huyết áp cao và kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp tăng cao còn phá hủy bộ lọc ở cầu thận, dẫn đến hậu quả là thận không thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài. Nước dư thừa ở trong hệ mạch máu ngày một nhiều làm huyết áp lại càng tăng cao hơn. Do đó, tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến suy thận mạn.
Giải pháp ngăn chặn biến chứng thận của tăng huyết áp
Việc làm hạ huyết áp là cách tốt nhất để làm chậm hoặc ngăn ngừa biến chứng suy thận của tăng huyết áp. Các bước này bao gồm sự kết hợp giữa thuốc điều trị và thay đổi lối sống như:
– Ăn uống khoa học, lành mạnh: Chuyên gia dinh dưỡng có thể đề nghị việc ăn uống tập trung vào các loại trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, giảm lượng muối, hạn chế đồ uống có cồn, bỏ thuốc lá.
– Hoạt động thể chất: Mỗi người nên cố gắng hoạt động ít nhất 30 – 60 phút mỗi ngày. Các hoạt động vừa phải bao gồm đi bộ nhanh, khiêu vũ, chơi bowling, đi xe đạp, làm việc trong vườn và dọn dẹp nhà cửa.
– Duy trì cân nặng hợp lý: Những người thừa cân hoặc béo phì nên giảm trọng lượng xuống 7 – 10% trong năm đầu điều trị tăng huyết áp.
– Kiểm soát căng thẳng: Thực hiện một số hoạt động giúp giảm căng thẳng (tập thể dục, yoga hoặc thái cực quyền, nghe nhạc, tập thiền, …).
3.2. Suy thận dẫn đến tăng huyết áp
Trên thực tế lâm sàng, suy thận và tình trạng cao huyết áp đều có mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Như đã nói ở trên, tăng huyết áp có thể gây ra bệnh thận, trong khi đó, một biến chứng hàng đầu của suy thận mạn lại là cao huyết áp. Thận không chỉ có vai trò lọc các chất lỏng trong cơ thể mà nó còn có nhiệm vụ đặc biệt khác là cân bằng huyết áp ở mức ổn định.
Một khi thận bị tổn thương sẽ kéo theo sự suy giảm các chức năng thận, trong đó có khả năng điều hòa huyết áp. Sự phá vỡ thế cân bằng này khiến cho mức huyết áp bị tăng cao quá mức cho phép, có thể gây ra các hệ lụy sức khỏe khác cho người bệnh, chẳng hạn như bệnh tim hoặc đột quỵ. Dưới đây là một số bệnh thận thường gặp có khả năng cao làm tăng huyết áp, bao gồm:
– Bệnh hẹp động mạch thận: Đây là căn bệnh về thận dễ dẫn đến tình trạng tăng huyết áp nhất. Khi các động mạch thận bị hẹp lại sẽ làm cho lưu lượng máu đi qua thận bị giảm xuống, đồng thời làm tăng tiết chất aldosteron và angiotensin, dẫn đến tăng huyết áp. Căn bệnh này không chỉ là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp mà nó còn là tác nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm về thận, nhất là suy thận mạn.
– Viêm bể thận mạn tính: Để thận là cầu nối giữa thận và niệu quản. Tình trạng viêm bể thận mạn tính xảy ra khi bể thận bị viêm nhiễm do sỏi. Các triệu chứng của viêm bể thận bao gồm sốt, rối loạn bài niệu, đái dắt, đái buốt, hông có cảm giác căng tức, hoặc bị đau bụng. Ngoài ra, chứng bệnh này còn dẫn đến tăng huyết áp ác tính (có xu hướng tiến triển không ngừng).
– Viêm cầu thận: Có hai loại viêm cầu thận, bao gồm viêm cầu thận cấp tính và mạn tính. Bệnh xảy ra là do rối loạn miễn dịch hoặc sự phức hợp các kháng thể, kháng nguyên của liên cầu tan máu nhóm A. Biến chứng thường gặp nhất của viêm cầu thận là tăng huyết áp. Theo thống kê cho thấy, có hơn một nửa số người bị viêm cầu thận đều có huyết áp cao. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là các động mạch ở thận bị bít tắc, khiến các tiểu cầu thận bị sưng phồng và thay đổi kích thước.
– Bệnh thận đa nang: Phản ánh tình trạng thận xuất hiện nhiều nang. Dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh này là tăng huyết áp tâm trương kịch phát ngay trong giai đoạn đầu của bệnh. Bệnh thận đa nang nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận.
Như vậy, có thể kết luận rằng, suy thận bắt nguồn từ bệnh lý cao huyết áp và ngược lại, tình trạng cao huyết áp là biến chứng hoặc hậu quả của bệnh thận. Do đó, điều quan trọng là phải kiểm soát tốt mức huyết áp để ngăn ngừa bệnh thận, đồng thời những bệnh nhân đã bị suy thận thì cần phải được điều trị sớm và kịp thời để phòng tránh rủi ro cao huyết áp. Trong cơ thể, thận có chức năng giữ cho huyết áp được ổn định. Khi thận bị tổn thương, khả năng điều hòa huyết áp giảm, làm cho huyết áp bị tăng cao. Như vậy, tăng huyết áp có thể là một biến chứng của suy thận mạn. Nếu rơi vào tình trạng này, cần thực hiện đúng chỉ định điều trị của bác sĩ nhằm kiểm soát huyết áp ở mức cho phép, hãm tốc độ tổn thương thận và phòng tránh bệnh lý tim mạch bởi tăng huyết áp còn gây tổn thương tim. Suy thận do tăng huyết áp thường liên quan đến huyết áp tâm thu hơn là huyết áp tâm trương.
Triệu chứng của suy thận có thể chỉ xuất hiện khi chức năng thận còn lại 1/10 so với mức bình thường như sưng phù, mệt mỏi, xanh xao, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều lần…Tổn thương thận do tăng huyết áp biểu hiện dưới 3 dạng là tiểu albumin vi thể, tiểu protein và suy thận. Vì vậy, đánh giá tổn thương thận trên người tăng huyết áp chủ yếu là dựa vào xét nghiệm. Triệu chứng tiểu đêm thường gặp ở người tăng huyết áp là hậu quả của phì đại tiền liệt tuyến lành tính đi kèm, hoặc có thể là do bàng quang bị giảm thể tích. Giảm khả năng cô đặc nước tiểu có thể là dấu hiệu sớm của suy thận. Nồng độ creatinin máu tăng phản ánh sự giảm độ lọc cầu thận. Sự đào thải protein gia tăng phản ánh thương tổn mức lọc cầu thận. Albumin niệu vi thể ở người bị tăng huyết áp được xem là yếu tố dự báo bệnh lý tim mạch. Việc phát hiện chức năng thận bị tổn thương ở người bị tăng huyết áp với bất kỳ các biểu hiện nào kể trên có giá trị dự báo bệnh lý và tử vong do tim mạch trong tương lai.
4. Điều trị suy thận ở người tăng huyết áp
Một khi đã bị tăng huyết áp thì nguy cơ bị suy thận là khá cao. Người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế để được làm thêm các xét nghiệm nhằm đánh giá chức năng thận và tổn thương của các cơ quan khác.
Khi đã được chẩn đoán là tăng huyết áp và được bác sĩ điều trị theo phác đồ, người bệnh tăng huyết áp ngoài việc tự theo dõi huyết áp bằng cách đo huyết áp tại nhà và ghi vào sổ theo dõi còn cần phải nghiêm túc tuân thủ việc khám định kỳ để đánh giá chức năng thận và các cơ quan khác.
Trong giai đoạn này, ngoài các xét nghiệm đánh giá mức độ suy thận, cần đo lượng kali trong máu, vì khi thận bị suy, lượng kali có thể tăng cao trong máu, rất nguy hiểm cho tim. Mặt khác, một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp và suy thận cũng có thể làm tăng lượng kali. Bác sĩ sẽ chỉ định thực đơn ăn kiêng cho nếu lượng kali trong máu tăng cao.
TS. Nguyễn Triệu Vân, Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của NAPHARCO