Hiểu biết cơ bản về Hệ tiết niệu
Trong khi hệ hô hấp có chức năng thải khí CO2 ra ngoài, thì hệ tiết niệu lại có chức năng loại bỏ hầu hết các chất lỏng không cần thiết trong máu ra khỏi cơ thể. Hệ Tiết niệu gồm những cơ quan gì để thực hiện được các chức năng đó?
1. Đại cương về Hệ Tiết niệu
Hệ tiết niệu là cơ quan giúp đào thải chất lỏng dư thừa và các chất hoà tan từ sự lưu thông máu ra bên ngoài cơ thể. Một số chất được tái hấp thu trở lại máu, các chất còn lại được lọc và đưa xuống bàng quang để thải ra ngoài.
Hệ tiết niệu bao gồm hai thận, hai niệu quản, bàng quang, niệu đạo, tuyến tiền liệt (ở nam giới).

(1. Hệ tiết niệu: 2. Thận, 3. Bể thận, 4. Niệu quản, 5. Bàng quang, 6. Niệu đạo; 7. Tuyến thượng thận; 8. Động mạch và tĩnh mạch thận; 9. Tĩnh mạch chủ dưới; 10. Động mạch chủ bụng; 11. Động mạch và tĩnh mạch chậu; 12. Gan; 13. Đại tràng xuống; 14. Xương chậu)
2. Giải phẫu các cơ quan của Hệ Tiết niệu
2.1. Thận
Thận nằm phía sau khoang phúc mạc, ở 2 bên cột sống. Thận phải ở vị trí thấp hơn thận trái. Thận là tạng đặc có trọng lượng trung bình là 130 – 135 gram, kích thước trung bình là 12 x 6 x 3cm (1 quả thận). Nhu mô thận có độ dày 1,5 – 1,8cm và được bao phủ bởi lớp vỏ thận bên ngoài và được chia 2 vùng:
– Vùng tủy: Gồm các đài thận nhỏ, có đỉnh hướng về đài nhỏ. Các đài thận chứa hệ thống ống góp trước khi đổ vào đài thận.
– Vùng vỏ thận: Có các đơn vị chức năng thận – nephron. Mỗi quả thận chứa 1 – 1,5 triệu nephron phân bố tập trung tại vùng vỏ. Tủy thận chiếm 10 – 20% nephron.
– Rốn thận: Là nơi cuống thận đi vào thận. Rốn thận thường là vị trí phẫu thuật vào bên trong thận do đó nếu có rốn thận rộng phẫu thuật thuận lợi hơn rốn thận hẹp.

2.2. Niệu quản
Niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang, dài khoảng 25–30 cm. Đường kính ngoài của niệu quản là 4–5 mm, đường kính trong khoảng 2–3 mm. Niệu quản gồm 3 lớp: thanh mạc, lớp cơ, lớp niêm mạc và được chia thành 3 đoạn: niệu quản trên, niệu quản giữa và niệu quản dưới.
2.3. Bàng quang
Bàng quang nằm ngay sau xương mu, là túi rỗng chứa nước tiểu. Khi bàng quang rỗng sẽ bị lấp sau xương mu nhưng sẽ vượt lên trên xương mu, có khi tới sát rốn khi đầy nước tiểu.
Bể thận và bàng quang được nối thông bởi 2 niệu quản. Hai lỗ niệu quản tạo với cổ bàng quang một tam giác và bàng quang được mở thẳng ra ngoài bằng niệu đạo.
Bàng quang gồm 4 lớp:
– Lớp niêm mạc: Bao phủ mặt trong bàng quang.
– Lớp hạ niêm mạc: Cấu tạo rất lỏng lẻo khiến lớp cơ và lớp hạ niêm có thể trượt lên nhau.
– Lớp cơ: Gồm lớp cơ vòng ở trong, lớp cơ chéo ở giữa và lớp cơ dọc ở ngoài.
– Lớp thanh mạc.
Bàng quang có thể chứa khoảng 300–500ml nhưng có thể tăng lên hàng lít hoặc giảm chỉ còn vài chục mililít trong các trường hợp bệnh lý.
2.4. Niệu đạo
Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài miệng sáo, niệu đạo nam giới cũng là đường đi của tinh dịch khi xuất tinh.
Niệu đạo có kích thước khác nhau giữa nam giới và nữ giới.
a) Nam giới
Niệu đạo ở nam giới trưởng thành dài 14–16 cm, chia ra làm 2 phần:
– Niệu đạo sau: Dài 4 cm, chia thành niệu đạo tuyến tiền liệt (3 cm) và niệu đạo màng (1–1,5 cm). Niệu đạo màng dễ tổn thương nếu gặp chấn thương vỡ xương chậu. Niệu đạo tuyến tiền liệt bị tổn thương trong các thủ thuật nội soi tiết niệu.
– Niệu đạo trước: Dài từ 10–12 cm, gồm niệu đạo dương vật, niệu đạo bìu, niệu đạo tầng sinh môn. Niệu đạo trước có vật xốp bao quanh, khi chấn thương vật xốp dễ bị tổn thương gây chảy máu, có thể để lại di chứng hẹp niệu đạo hơn niệu đạo sau.
b) Nữ giới
Niệu đạo ở nữ giới cố định, dài 3 cm, liên quan chặt chẽ với thành trước âm đạo.
3. Chức năng hệ Tiết niệu
Cũng giống như các hệ cơ quan khác trong cơ thể, hệ tiết niệu giữ vai trò quan trọng trong cơ thể:
3.1. Thận: là cơ quan chính trong hệ tiết niệu. Thận có chức năng quan trọng là lọc và bài tiết các chất thải vào nước tiểu. Ngoài ra, thận còn có chức năng trong việc điều hoà thể tích và thành phần máu. Từ đó giúp cơ thể điều hoà huyết áp, pH và mức đường huyết. Tại thận còn sản xuất ra hai loại hormon là calcitriol và erythropoietin, đây là hai hormon giữ nhiều chức năng chính trong cơ thể.
3.2. Niệu quản: là một đường ống nối từ bể thận xuống bàng quang. Vai trò chính của niệu quản là vận chuyển nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
3.3. Bàng quang: là nơi lưu giữ nước tiểu cho tới khi đầy sẽ tống xuống niệu đạo thông qua hệ thống tín hiệu tới từ não bộ.
3.4. Niệu đạo: là cơ quan có chức năng tống nước tiểu ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, niệu đạo nam còn là đường dẫn tinh ra ngoài.
4. Hoạt động của hệ Tiết niệu
Động mạch thận dẫn máu đến từng thận. Động mạch thận chia thành nhiều động mạch nhỏ (mao mạch) trong thận. Ở vỏ thận, các mạch máu nhỏ tụ lại với nhau để tạo thành một cấu trúc gọi là cầu thận.
Mỗi cầu thận giống như một bộ lọc, cho phép lọc các chất thải, muối và nước thông qua một hệ thống ống thận, trong khi vẫn giữ được các tế bào và protein trong máu. Mỗi cầu thận và hệ thống ống thận được gọi là “Nephron”. Có khoảng một triệu Nephron trong mỗi thận.
Các chất thải, muối và nước đi qua hệ thống ống thận sẽ được điều chỉnh về thành phần. Ví dụ, một số muối và nước có thể được hấp thụ trở lại vào máu, tùy thuộc vào nồng độ muối và lượng nước trong máu. Các mạch máu nhỏ bên cạnh mỗi hệ thống ống thận cho phép việc điều chỉnh muối và nước giữa hệ thống ống thận và mạch máu.
Chất lỏng còn lại ở đoạn cuối của mỗi hệ thống ống thận được gọi là nước tiểu. Nước tiểu này sẽ được dẫn vào các ống dẫn lớn hơn và đổ vào bể thận. Từ bể thận, nước tiểu đi qua niệu quản và đổ xuống bàng quang. Nước tiểu được dự trữ ở bàng quang cho đến khi được thải ra ngoài thông qua niệu đạo khi đi tiểu. Máu “được làm sạch” từ mỗi thận thu thập vào một mạch máu lớn hơn gọi là tĩnh mạch thận và dẫn về tim.
Cân bằng thể dịch trong cơ thể là quá trình phức tạp. Nếu quá nhiều dịch trong máu có thể gây phù nề. Nhưng nếu quá ít dịch có thể làm giảm lượng máu đến các cơ quan trọng yếu của cơ thể. Thận điều chỉnh mức độ thể dịch trong máu và huyết áp.
Một tế bào đặc biệt trong thận cảm nhận sự sụt giảm huyết áp, chúng phản ứng lại bằng cách giải phóng một loại enzyme tên là renin. Renin giúp biến đổi Angiotensinogen thành Angiotensin I trong máu. Sau đó, men chuyển Angiotensin (ACE) giúp chuyển Angiotensin I thành Angiotensin II.
Angiotensin II có tác dụng làm tăng huyết áp bằng cách làm chậm quá trình nước và các chất khác đi từ cầu thận đến hệ thống ống thận. Nó cũng giúp nhiều muối được hấp thu trở lại, kéo theo sự hấp thu nước, nên nhiều nước được tái hấp thu vào máu. Nó cũng kích thích tuyến thượng thận (nằm phía trên mỗi thận) sản xuất ra một hormone gọi là Aldosterone. Hormone này giúp nhiều muối được tái hấp thu, kéo theo nhiều nước được hấp thu hơn. Tất cả quá trình này giúp tăng huyết áp. Một số loại thuốc hạ huyết áp tác dụng qua cơ chế nói trên bằng cách ức chế men chuyển Angiotensin (ACE) làm giảm Angiotensin II được tạo ra.
Bộ não cũng đóng vai trò trong việc điều hòa huyết áp và cân bằng thể dịch. Các tế bào đặc biệt ở trong não sẽ theo dõi sự thay đổi trong máu qua các cảm thụ thể. Nếu những cảm thụ thể này cho rằng cơ thể bạn cần nhiều dịch hơn, chúng sẽ gửi tín hiệu qua hệ thần kinh đến một phần khác của não gọi là thùy sau tuyến yên. Phần này của não sẽ giải phóng hormone chống bài niệu (hay “chống đi tiểu”, ADH). ADH di chuyển trong máu đến thận. Ở đây, ADH tác động vào phần cuối hệ thống ống thận làm cho nước được tái hấp thu vào máu thay vì trở thành nước tiểu.
Thận cũng đóng một vai trò trong sự hấp thu của một số khoáng chất, bao gồm Canxi và Magiê. Một số tế bào trong thận sản sinh ra hormone Calcitriol là dạng hoạt động của vitamin D. Một loại hormoon khác được sản xuất ra bởi các tế bào trong thận gọi là epo (Erythropoietin). Epo giúp kích thích sự sản xuất hồng cầu trong tủy xương.
Đường tiết niệu thu thập, dự trữ và dẫn nước tiểu ra ngoài. Niệu quản dài khoảng 25-30 cm giúp dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Mặc dù là một ống mỏng nhưng chúng có cơ bên trong thành. Điều này giúp niệu quản co bóp đẩy nước tiểu xuống bàng quang.
Bàng quang là một túi rỗng có nhiều cơ trong thành. Khi trống, nó tự xẹp xuống. Nhưng khi đầy nước tiểu, nó phình lên và có hình quả lê, chiếm một phần lớn hơn ở dưới ổ bụng. Bàng quang có thể chứa khoảng 700-800 ml nước tiểu.
Sự đi tiểu xảy ra do sự kết hợp của cơ co thắt tự chủ và không tự chủ. Thành bàng quang có thụ thể đặc biệt giúp nhận biết nếu bàng quang đang căng. Khi lượng nước tiểu trong bàng quang đạt từ 200-400 ml, các thụ thể này gửi tín hiệu đến tủy sống. Các tín hiệu này kích hoạt một phản xạ không tự chủ và gửi tín hiệu trở lại thành bàng quang, gây co một phần cơ bàng quang và làm giãn các phần còn lại gây ra hiện tượng đi tiểu. Việc đi tiểu để làm bàng quang rỗng là một phản xạ, và chúng ta học cách kiểm soát điều này một cách tự chủ trong thời kỳ thơ ấu.
5. Để có hệ tiết niệu khỏe mạnh
Để có một hệ tiết niệu khỏe mạnh, có thể không cần dùng đến thuốc kháng sinh mà chỉ cần thực hành lối sống lành mạnh và ăn uống khoa học. Trong đó, việc đầu tiên bạn cần làm là uống đủ nước. Người ta nghiên cứu rằng mỗi ngày, một người lớn nên uống trung bình 2 lít nước để cơ thể hoạt động tốt (khoảng 400ml/10kg cân nặng/24 giờ). Lượng nước này bao gồm cả trong thức ăn. Đừng chờ đến khi khát mới uống nhất là khi hoạt động thể dục, thể thao. Ngoài ra, nước ép từ các loại quả giàu vitamin C cũng rất tốt cho thận.
Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể không phải làm việc quá sức để giải quyết các chất độc hại và dư thừa được đưa vào qua ăn uống. Nên hạn chế tiêu thụ các đồ uống chứa chất kích thích như: cafe, bia, rượu, nước có gas… Việc ăn quá béo có thể gia tăng áp lực cho thận và dễ dẫn đến sỏi thận.
Đường tiết niệu là nơi xử lý trực tiếp các chất thải. Do đó, cần phải đặc biệt lưu ý giữ vệ sinh vùng kín cho thật tốt. Khi đi vệ sinh nên lau từ trước ra sau. Làm ngược lại có thể khiến vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào niệu đạo và các bộ phận khác của hệ tiết niệu. Đối với nữ giới thì cần phải thận trọng hơn trong việc này vì khoảng cách từ hậu môn đến niệu đạo rất ngắn.
Cách giữ đường tiết niệu khỏe mạnh không khó. Tuy nhiên, vì một vài lý do nào đó mà hệ tiết niệu có vấn đề nhiều ngày không khỏi thì nên nhanh chóng đến cơ sở y tế kiểm tra. Biết sớm nguyên nhân sẽ giúp chữa trị hiệu quả và tránh các biến chứng không mong muốn.
TS. Nguyễn Triệu Vân, Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của NAPHARCO