Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp là một trong các tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, có vai trò sản xuất hormone. Các hormone tuyến giáp là thành phần không thể thiếu trong quá trình tăng trưởng, chuyển hoá và phát triển cơ thể.
1. Đại cương về Tuyến Giáp
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn của người, hình con bướm nằm phía trước cổ, dưới thanh quản và trên khí quản. Tuyến giáp có 2 thuỳ, nối nhau qua eo tuyến giáp. Eo tuyến có một lớp bao xơ bên ngoài do lớp cân sau gắn tuyến vào sụn giáp tạo ra. Chính vì thế mà khi nuốt, tuyến sẽ di động theo thanh quản. Tuyến giáp nặng khoảng 10-20g.
Nhiệm vụ chính của tuyến giáp sinh ra hormone, kiểm soát sự trao đổi chất. Các hormone do tuyến giáp sản xuất là Thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3). Các hormone giáp có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, chuyển hóa và phát triển của cơ thể. Do vậy, bất cứ vấn đề nào xảy ra với hoạt động của tuyến giáp đều có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sức khỏe của cơ thể.

2. Chức năng các hormone của tuyến giáp
– Làm tăng hoạt động tế bào, tăng cường chuyển hóa glucid làm tăng đường huyết và tăng cường chuyển hóa lipid tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, gây giảm cân.
– Tác động lên hoạt động tuyến sinh dục và tuyến sữa.
– Tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu qua tim, tăng hô hấp để cung cấp oxy cho sự chuyển hóa ở các mô và cơ quan.
– Tăng cường hoạt động của bộ não và hệ thần kinh.
– Tác dụng trên sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, đặc biệt là bộ não.
– Duy trì ổn định lượng canxi trong máu.
Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone, mọi hoạt động diễn ra chậm hơn, nhịp tim bị tác động, không kiểm soát được cân nặng. Ngược lại khi sản xuất hormone quá mức làm cho tim đập loạn nhịp, tiêu chảy, …
3. Bệnh lý tuyến giáp
3.1. Bệnh cường giáp
Cường giáp cần được hiểu là một hội chứng, không phải một bệnh riêng biệt. Có nhiều bệnh gây nên hội chứng cường giáp, trong đó có thể kể đến bện basedow, bệnh cường giáp hay gặp nhất với bướu cổ có lồi mắt; cường giáp do bướu nhân độc tuyến giáp, viêm tuyến giáp, …
Bệnh cường giáp gây ra bởi tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin) dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức với các biểu hiện: tim đập nhanh, gầy sút cân…
a. Nguyên nhân của cường giáp:
– Viêm tuyến giáp: là bệnh tổn thương tuyến giáp do nhiễm virus, vi khuẩn, do miễn dịch hoặc thuốc. Viêm tuyến giáp ít được biết đến nên thường bị bỏ qua nhưng khi bệnh kéo dài mà không được điều trị sẽ dẫn đến suy giáp không hồi phục, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
– Sử dụng nhiều hormone (đặc biệt ở những người lạm dụng thuốc giảm cân) khiến cơ thể tăng hấp thu quá mức hormone giáp.
– Bệnh nhân đã mắc phải bệnh graves – các kháng thể trong máu kích thích tuyến giáp phát triển và tiết ra quá nhiều hormone tuyến giáp. Loại bệnh này là bệnh di truyền và tỉ lệ xảy ra đối với phụ nữ cao hơn gấp 4 lần.
– Bướu cổ hoặc u tuyến giáp.
b. Triệu chứng bệnh cường giáp:
– Hồi hộp đánh trống ngực: Cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực, có thể cảm thấy đau ngực, khó thở.
– Sợ nóng: Do mức chuyển hóa cơ bản cao, thân nhiệt của người bệnh cường giáp thường cao hơn bình thường, do vậy người bệnh thường không chịu được những nơi có nhiệt độ cao hay thời tiết nóng nực.
– Tiêu chảy: Tình trạng tiêu chảy kéo dài có thể là dấu hiệu bệnh cường giáp, nguyên nhân do nhu động ruột tăng thường xuyên.
– Run tay: Triệu chứng run tay khiến bệnh nhân không thể tự kiểm soát, thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ.
– Bướu cổ: Vùng cổ, nơi chứa tuyến giáp phình to, nguyên nhân do tuyến giáp bị phì đại.
– Sụt cân: Người bệnh cường giáp thường bị sụt cân, dù chế độ ăn vẫn như bình thường thậm chí là nhiều hơn, có thể sụt nhiều cân trong vòng 1 tháng.
– Ra mồ hôi nhiều: Cùng với tình trạng sợ nóng, người bệnh cường giáp thường xuyên ra mồ hôi thậm chí cả khi không vận động gì, chỉ ngồi yên một chỗ.
– Thay đổi tính tình, dễ cáu giận, lo lắng.
– Rối loạn giấc ngủ: Người bệnh cường giáp hay bị khó ngủ, giấc ngủ không yên, giấc ngủ ngắn hơn bình thường.
– Yếu mệt: Mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, người bệnh không muốn vận động nhiều.
c. Biến chứng cường giáp
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
– Biến chứng tim mạch: tình trạng nhịp tim nhanh thường gặp ở bệnh nhân cường giáp, các rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn như rung nhĩ có thể gặp phải. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng suy tim.
– Cơn bão giáp: khi tình trạng hormone tăng quá cao, các triệu chứng đột ngột trở nên nặng nề, lúc này, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa nếu không kịp thời được chẩn đoán và điều trị.
– Lồi mắt ác tính: Trong cường giáp do bệnh Basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt, thường xuyên chảy nước mắt và nhạy cảm hơn đối với ánh sáng, hay kèm theo viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.

d. Chẩn đoán bệnh cường giáp?
Khi bạn có các dấu hiệu cảnh báo cường giáp, hãy đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng thích hợp để chẩn đoán bệnh. Đó là: Định lượng TSH, FT3, FT4. Nếu bị cường giáp, kết quả xét nghiệm sẽ biểu hiện bằng việc tăng nồng độ FT4, FT3 và TSH giảm. Các xét nghiệm cận lâm sàng khác có thể được bổ sung để đánh giá kích thước tuyến giáp và tìm nguyên nhân của hội chứng cường giáp như là: Siêu âm tuyến giáp, siêu âm doppler tuyến giáp.
e. Điều trị cường giáp
Thông thường, khi được phát hiện, bệnh cường giáp có thể được điều trị dễ dàng bằng các biện pháp nội khoa. Tức là người bệnh chỉ cần uống thuốc để điều trị. Các thuốc kháng giáp tổng hợp, các thuốc chẹn beta giao cảm hoặc an thần sẽ được bác sĩ kê toa cho bệnh nhân cường giáp. Tuy nhiên, cần chú ý là thời gian điều trị bệnh cần kéo dài liên tục 12-18 tháng, cho nên người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc khi thấy không còn các triệu chứng của bệnh.
Tình trạng lâm sàng của người bệnh sẽ được cải thiện sau khoảng 2- 4 tuần, các xét nghiệm chức năng tuyến giáp cũng dần hồi phục sau đó, TSH thường cải thiện chậm hơn.
Trong một số trường hợp, tình trạng bướu cổ to gây ảnh hưởng thẩm mỹ, hoặc bướu tái phát nhiều lần, bướu có thể được giải quyết bằng phương pháp ngoại khoa hoặc uống đồng vị Iod phóng xạ.
Cường giáp là một tình trạng rối loạn hormone tuyến giáp, có nhiều biểu hiện lâm sàng, gây ra các rối loạn chuyển hóa, tác động đến toàn bộ cơ thể. Cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, do vậy, khi gặp các dấu hiệu cảnh báo bệnh cường giáp, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
3.2. Bệnh suy giáp
Bệnh suy giáp (nhược giáp, giảm chức năng tuyến giáp) là một dạng bệnh nội tiết, rối loạn chức năng tuyến giáp khiến tuyến giáp không sản sinh đủ hormone như T3, T4 cần thiết cho quá trình kiểm soát trao đổi chất trong cơ thể.
Biểu hiện có thể xảy ra khi suy tuyến giáp là hạ canxi máu hay ảnh hưởng đến hoạt động của tim, hệ thần kinh và điều tiết nhiệt lượng cơ thể. Bệnh suy giáp rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Tuy vẫn có khả năng ngăn ngừa và điều trị nhưng một số trường hợp có thể gây biến chứng không phục hồi và cần phẫu thuật phức tạp.
a. Nguyên nhân bệnh Suy giáp
Có 3 nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng suy giáp là:
– Teo tuyến giáp là nguyên nhân phổ biến nhất;
– Viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto;
– Nguyên nhân thứ phát sau điều trị cường giáp.
Những nguyên nhân ít gặp hơn là việc thiếu iod trong chế độ ăn hằng ngày hoặc do tình trạng suy giáp bẩm sinh hay thứ phát sau khi bị bệnh ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.
b. Triệu chứng bệnh Suy giáp
Suy tuyến giáp nhẹ thường có các triệu chứng không rõ ràng, thêm vào đó bệnh thường phổ biến ở người cao tuổi nên các bệnh nhân thường nghĩ triệu chứng đó là do tuổi già như:
– Ăn không ngon miệng;
– Táo bón;
– Da tái xanh hoặc khô, dễ bị lạnh;
– Trí nhớ giảm sút, trầm cảm;
– Giọng khàn hoặc trầm hơn;
– Có thể thở gấp hoặc thay đổi nhịp tim;
– Đau khớp hoặc các cơ;
– Phụ nữ có thể có vấn đề về kinh nguyệt;
– Người bệnh ít có hứng thú trong tình dục hơn.
Nếu suy giáp ở mức độ trầm trọng thì có thể biểu hiện nặng nề hơn như: lưỡi phình to ra (chứng lưỡi lớn), phù toàn thân: mặt, tay chân, da sậm màu và xù xì do lớp sừng phát triển dày.
c. Chẩn đoán suy giáp
– Về lâm sàng
Đặc trưng lâm sàng của bệnh suy giáp giai đoạn nặng (còn gọi là bệnh phù niêm) thường gặp ở phụ nữ lứa tuổi 40-50 tuổi, triệu chứng xuất hiện từ từ, không rầm rộ nên dễ nhầm với triệu chứng của giai đoạn mãn kinh.
Tổn thương da, niêm mạc là dấu hiệu đặc trưng nhất:
+ Thay đổi mặt: mặt tròn như mặt trăng, nhiều nếp nhăn, thờ ơ, ít biểu lộ cảm xúc.
+ Phù mi mắt, gò má tím, môi dày, tím tái.
+ Bàn chân, tay dày, ngón tay to khó gập lại, da lạnh, gan bàn chân, bàn tay có màu vàng.
+ Niêm mạc lưỡi thâm nhiễm làm lưỡi to ra.
+ Da, long, tóc, móng phù cứng, da khô dễ bong vảy, tóc khô dễ gãy rụng, móng tay móng chân mủn, dễ gãy.
+ Triệu chứng giảm chuyển hóa: rối loạn thân nhiệt, rối loạn điều tiết nước, tăng cân tuy ăn uống kém.
+ Triệu chứng tim mạch: Nhịp tim chậm (dưới 60 lần/phút), huyết áp thấp, có thể có cơn đau thắt ngực hoặc suy tim.
+ Rối loạn thần kinh- tinh thần- cơ: người bệnh thường mệt mỏi, li bì, thờ ơ, vô cảm, suy giảm hoạt động thể chất, trí óc và sinh dục, rối loạn thần kinh tự động (táo bón kéo dài, giảm nhu động ruột), yếu cơ, đau cơ, chuột rút.
+ Biến đổi tại tuyến nội tiết: Tuyến giáp to hoặc bình thường tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy giáp, ở bệnh nữ có thể rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, biểu hiện suy chức năng tuyến thượng thận.
– Về xét nghiệm
+ Định lượng hormone: Nồng độ TSH tăng cao trong tổn thương tại tuyến giáp, bình thường hoặc thấp trong tổn thương cùng dưới đồi hoặc tuyến yên.
+ Độ tập trung Iod 131 tại tuyến giáp: thấp hơn giá trị bình thường.
+ Chụp xạ hình tuyến giáp là phương pháp vô cùng hữu ích trong đánh giá hình ảnh chức năng của tuyến giáp. Đây là một kỹ thuật hiện đại giúp tối ưu hình ảnh, đặc biệt có lợi cho chẩn đoán suy giáp.
d. Điều trị bệnh Suy giáp
Chỉ có một số ít trường hợp suy giáp có nguyên nhân do tai biến khi dùng thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc suy giáp thoáng qua do viêm giáp có thể tự hồi phục. Còn lại đa phần các trường hợp suy giáp phải điều trị thay thế bằng hormone giáp.
Những loại thuốc thay thế hormone tổng hợp tuyến giáp hoặc levothyroxine, nên được sử dụng hàng ngày vì cơ thể cần được cung cấp một lượng thuốc mới mỗi ngày.
Nếu liều lượng thuốc quá cao có thể gây nên biến chứng như: căng thẳng, run rẩy, loãng xương và tăng đi tiêu, cần làm các xét nghiệm máu để kiểm tra liều dùng thuốc có nên thay đổi hay không.
4. Phòng bệnh tuyến Giáp
Thông thường, ở giai đoạn đầu bệnh cường giáp không gây ra các triệu chứng rõ ràng hoặc người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, để phòng tránh căn bệnh này, người dân cần có thói quen thăm khám và tầm soát sức khỏe thường xuyên bên cạnh đó thực hiện chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý bằng các biện pháp như:
a. Luyện tập thể dục thường xuyên: Việc tập luyện thể dục thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh cũng như tăng cường hệ miễn dịch chủ động của cơ thể. Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh do kháng thể nhận diện và tiêu diệt nhầm tế bào tuyến giáp cũng được hạn chế.
b. Bổ sung đủ i-ốt: Việc thừa hoặc thiếu i-ốt có thể gây ra các vấn đề về bệnh lý tuyến giáp vì vậy chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần được cung cấp đầy đủ lượng i-ốt cần thiết. Bạn có thể liên hệ với các bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chi tiết về vấn đề này. Đặc biệt phụ nữ mang thai, người cao tuổi là đối tượng cần lưu ý về việc bổ sung đủ lượng i-ốt hàng ngày để tránh những vấn đề sức khỏe cho thai nhi, sản phụ cũng như người cao tuổi.
c. Dinh dưỡng hợp lý: Trong phòng ngừa và hạn chế tiến triển bệnh cường giáp, các loại thực phẩm giàu chất oxy hóa luôn là lựa chọn mà các chuyên gia khuyến cáo sử dụng. Các thực phẩm giàu oxy hóa có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như trái cây, đặc biệt các loại quả mọng như việt quất, dâu tây…các loại ray xanh như cải xoăn, súp lơ…
Xây dựng cho bản thân lối sống lành mạnh, ăn đủ chất, luyện tập thể thao và ngủ đủ giấc, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán các đồ uống chứa cồn hoặc chất kích thích để phòng ngừa không chỉ bệnh lý tuyến giáp mà các bệnh lý sức khỏe nói chung.
Tầm soát các bệnh lý tuyến giáp nên được thực hiện hàng năm đặc biệt ở đối tượng là nữ giới trên 20 tuổi. Việc tầm soát sớm có thể phát hiện bệnh và điều trị ngay từ giai đoạn chưa có triệu chứng, người bệnh ít bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Ngoài ra, khi phát hiện những triệu chứng cường giáp như mắt lồi, cổ to, đau họng, thân nhiệt cao, suy giảm thị lực…, người bệnh cần sớm đi khám tại chuyên khoa nội tiết của các trung tâm y tế, bệnh viện lớn trên cả nước.
TS. Nguyễn Triệu Vân, Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của NAPHARCO