Làm thế nào để có bộ não khỏe mạnh
Não người là trung tâm chỉ huy, điều hành tất cả các hoạt động sống của cơ thể. Sự tiến hoá đã tạo ra cho con người một bộ não vô cùng phức tạp nhưng cũng vô cùng tinh vi và hoàn thiện.
Nội dung
1. Vị trí giải phẫu và chức năng bộ não
1.1. Vị trí giải phẫu và cấu tạo
Bộ não người là phần không thể thiếu của hệ thần kinh, gồm não, tuỷ sống và các dây thần kinh. Bộ não người có kích thước trung bình khoảng 140 x 167 x 93 mm, được cấu tạo từ 60% lipid và 40% là sự kết hợp của protein, carbonhydrate, nước và muối.
Bộ não người được tạo nên từ khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh (nơron thần kinh), là một cơ quan vô cùng phức tạp nhưng cũng vô cùng tinh vi và hoàn thiện. Bộ não chính là trung tâm điều hành của cơ thể sống, có nhiệm vụ chi phối, điều kiển mọi chức năng của cơ thể. Nhờ có bộ não, con người có thể suy nghĩ, hành động, giao tiếp, phản ứng xã hội, ứng xử với môi trường và điều hoà cơ thể mỗi khi đối mặt với áp lực và căng thẳng hằng ngày.
Bộ não nằm ở phần đầu của cơ thể, trong hộp sọ, gồm đại não, tiểu não và thân não. Hộp sọ có vai trò bảo vệ bộ não khỏi các sang chấn vật lý tác động từ bên ngoài và giữ ổn định, tránh rung lắc gây ra khi con người di chuyển, hoạt động.
Đại não là phần lớn nhất của bộ não, được tạo nên bới chất xám và chất trắng xen kẽ nhau. Chất xám nằm bên ngoài vỏ não, bao bọc khối chất trắng trong trung tâm. Một phần rất quan trọng của của đại não gồm có vùng đồi thị, vùng dưới đồi, nhân bèo, thể vân, hồi hải mã,… đều là các nhân xám nằm sâu trong não bộ. Bộ não bao gồm hai bán cầu não, mỗi bán cầu não gồm có 4 thuỳ: trán, chẩm, đỉnh, thái dương. Bán cầu não phải điều kiển các hoạt động bên trái cơ thể và ngược lại, bán cầu não trái điều kiển các hoạt động bên phải cơ thể.
Đại não có chức năng thực hiện các chuyển động, điều chỉnh nhiệt độ, điều khiển các giác quan (nhìn, nghe, ngửi, nếm, cảm giác) và khả năng cao cấp của cơ thể con người (giao tiếp, phán đoán, suy nghĩ và lý luận, giải quyết vấn đề, học tập,…). Đại não còn là bộ phận não bộ ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của con người.

Tiểu não là một phần não có kích thước bằng nắm tay nằm ở phía sau đầu, bên dưới thùy thái dương và thùy chẩm. Tiểu não nằm sau thân não, cũng có hai bán cầu giống như đại não. Về mặt cấu trúc, phần nông bên ngoài của tiểu não chứa chất xám và khu vực bên trong của tiểu não sẽ thực hiện chức năng giao tiếp với vỏ não (chức năng của chất trắng).
Chức năng chính của tiểu não là phối hợp các chuyển động cơ bắp có chủ ý tạo nên các động tác tinh vi, chính xác; ngoài ra còn có vai trò duy trì tư thế, sự thăng bằng. Các nghiên cứu gần đây đang khám phá vai trò của tiểu não trong suy nghĩ, cảm xúc và hành vi xã hội, cũng như khả năng liên quan đến chứng nghiện, chứng tự kỷ và tâm thần phân liệt.
Thân não nằm ở giữa não kết nối não với tủy sống gồm não giữa, cầu não và hành não. Não giữa là phần cao nhất của thân não, có cấu trúc rất phức tạp với nhiều cụm nơron thần kinh, các đường dẫn thần kinh. Những cấu trúc phức tạp này tạo điều kiện thuận lợi để dẫn truyền tín hiệu nhiều chức năng khác nhau của cơ thể như thính giác, chuyển động đến tính toán phản ứng và thay đổi môi trường. Cầu não là nguồn gốc của 4 trong số 12 cặp dây thần kinh sọ, giúp thực hiện nhiều hoạt động thiết yếu như sản xuất nước mắt, nhai, chớp mắt, tập trung thị giác, giữ thăng bằng, thính giác và biểu hiện nét mặt. Hành não là phần dưới cùng của thân não, nơi kết nối trực tiếp của não bộ với tủy sống. Hành não chứa các nhân giữ vai trò quan trọng cho sự sống còn.
Hành não có chức năng điều chỉnh nhiều hoạt động của cơ thể, bao gồm nhịp tim, nhịp thở, lưu lượng máu, nồng độ oxy và carbon dioxide. Hành não cũng là trạm trung gian cho các phản xạ như hắt hơi, nôn, ho và nuốt. Hành não kéo dài từ cầu não và xuyên qua một lỗ lớn ở đáy hộp sọ liên tục thành tủy sống và chạy trong ống sống. Được hỗ trợ bởi các đốt sống, tủy sống mang các tín hiệu dẫn truyền đến và đi, giao liên giữa não và phần còn lại của cơ thể.
1.2. Chức năng của bộ não
Các chức năng chính của bộ não bao gồm:
- Tư duy công việc, cuộc sống;
- Suy nghĩ và quyết định;
- Tạo dựng và lưu giữ ký ức, cảm xúc;
- Chuyển động (chức năng vận động), thăng bằng và phối hợp;
- Nhận thức về các cảm giác khác nhau bao gồm cả đau đớn;
- Kiểm soát cách hành vi như thở, nhịp tim, giấc ngủ và kiểm soát nhiệt độ;
- Điều hòa chức năng của các cơ quan trong cơ thể;
- Thực hiện chức năng ngôn ngữ và lời nói;
- Thể hiện tình cảm.
Mỗi bộ phận của não bộ sẽ phối hợp với các bộ phận khác để điều khiển cơ thể và thực hiện các chức năng sống khác nhau của con người. Một bộ não nhạy bén, sáng suốt, hoạt động minh mẫn cả đời với một tinh thần luôn tươi trẻ thì đó là điều bất kỳ ai cũng mong muốn. Để làm được điều đó, cần thực hiện các giải pháp sau đây.
2. Các giải pháp để có bộ não khoẻ mạnh
2.1. Xây dựng một cuộc sống xã hội phong phú
Duy trì mối liên kết, gắn kết với gia đình và những người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Việc thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội làm cho tốc độ xử lý thông tin của não, khả năng nhớ, kỹ năng phản xạ và năng lực thị giác-không gian (định hướng trong không gian) của bộ não tăng lên. Điều này càng quan trọng khi tuổi tác ngày một tăng lên. Khi nói chuyện, cười đùa hoặc giao lưu với những người khác sẽ kích thích hoạt động của não bộ, giữ cho đầu óc luôn hoạt động và do đó ngăn chặn sự suy giảm, trì trệ, lão hoá.
2.2. Thực hiện những gì mình thích
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng những sở thích giúp tăng cường nhận thức, kích thích đam mê chẳng hạn như đi du lịch, làm việc nhà, làm vườn hoặc đi xem hòa nhạc sẽ giúp trí óc luôn linh hoạt, tinh thông. Các chuyên gia giải thích rằng những sở thích này đưa hoạt động của bộ não ra khỏi thói quen, huy động kỹ năng, yêu cầu lập kế hoạch các sự kiện và thu thập thông tin. Những công việc này kích thích mạnh mẽ não bộ và sản sinh các kết nối thần kinh mới.
2.3. Nuôi dưỡng trí tò mò
Trí tò mò, đó là sự ham thích khám phá cái mới: Đọc, học một ngoại ngữ mới, bắt đầu một nghề mới, bắt đầu chụp ảnh, bắt đầu học chơi một nhạc cụ mới v.v… Bất kỳ việc học cái mới nào cũng tạo ra các kết nối thần kinh mới, nhờ hiện tượng “dẻo não” định hình lại mạng lưới thần kinh của chúng ta theo kinh nghiệm sống. Khi đó, sự hình thành các kết nối mới sẽ giúp bù đắp những tổn thất thần kinh liên quan đến tuổi tác và giữ cho các chức năng trí tuệ ở trạng thái tốt nhất.
2.4. Chăm sóc bản thân
Chăm sóc bản thân đúng cách là sự cần thiết với mỗi chúng ta. Mỗi người cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, khoa học với một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, không thuốc lá và uống ít rượu. Những điều này sẽ giúp bảo vệ và nuôi dưỡng bộ não trong điều kiện tốt nhất và do đó, bộ não được duy trì hoạt động tốt nhất.
Về thực phẩm, một chế độ ăn đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ suy giảm nhận thức là chế độ ăn MIND thiên về trái cây và rau quả, như chế độ ăn Địa Trung Hải; và đặc biệt là các loại rau lá xanh (xà lách, rau bina, v.v.) và quả mọng đỏ, giàu kali (một khoáng chất hạ huyết áp); chế độ ăn kiêng DASH nhằm mục đích giảm tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ gây suy giảm nhận thức.
2.5. Sống tích cực, khoa học

Trong một nghiên cứu của Mỹ, những người sống lạc quan, tích cực có nguy cơ suy giảm nhận thức trung bình ít hơn 30% những người khác. Trạng thái tinh thần này đặc biệt có thể làm giảm sự bài tiết các phân tử gây viêm (interleukin-6, protein C- phản ứng…), được biết là có liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn nhận thức. Sự lạc quan của mỗi người hoàn toàn có thể tự thực hành. Để làm được điều này: Đừng chịu đựng những cảm xúc tiêu cực; hãy cố gắng tương đối hóa mọi chuyện; ngừng hồi tưởng quá khứ bằng cách sống với hiện tại; không ấn định những mục tiêu không thể đạt được để có thể đạt được những điều khả thi và từ đó có được lòng tự trọng tốt hơn; đừng liên tục so sánh mình với người khác, v.v…
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.
CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM NAPHARCO
Địa chỉ: Đường D1, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Thị trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên
Điện thoại: 02213.766.338
Hotline: 0916.953.559
Mail: napharcopharma.corp@gmail.com